Dân chủ trong trường học: Cần xây dựng cơ chế giám sát đủ mạnh

24/11/2023, 07:04
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Để phát huy dân chủ trong các cơ sở giáo dục, cần xây dựng cơ chế đủ mạnh để giáo viên, nhân viên thực hiện quyền giám sát.

Theo nhiều lãnh đạo trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thực tế việc thực thi dân chủ trong cơ sở giáo dục đào tạo chưa rõ ràng hoặc thiếu công khai minh bạch. Bản thân giáo viên, nhân viên trường học chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn dạy học mà chưa nghiên cứu kỹ càng quy chế, giám sát quá trình thực thi dân chủ tại đơn vị. Điều này khiến việc giám sát hoạt động của hiệu trưởng, Hội đồng nhà trường khi ban hành kế hoạch hoạt động, quá trình triển khai, giải quyết việc liên quan đến nhân sự, tài chính, chuyên môn và đời sống vật chất, tinh thần… chưa phát huy tối đa hiệu quả.

Thầy Ngô Chiến Thắng - giáo viên Trường THPT Quế Phong (huyện Quế Phong) cho hay, quy chế dân chủ của trường được xây dựng trong đó đưa ra nguyên tắc phải công khai nội dung hoạt động cũng như vai trò, trách nhiệm mỗi người. Theo thầy Thắng, đây là yếu tố quan trọng để giáo viên, nhân viên thực hiện vai trò giám sát.

“Cá nhân tìm hiểu, tham gia nhiều cuộc tập huấn được biết, nguyên tắc công khai minh bạch được quy định tại Luật Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, không phải vấn đề nào cũng công khai, và công khai ở phạm vi nào. Đối với giáo viên, người lao động, có những điều được phép bàn luận, tham gia đóng góp ý kiến.

Như vậy, những vấn đề, hoạt động, quyết nghị nào của nhà trường cần công khai thì phải công khai đầy đủ để giáo viên, nhân viên biết và tham gia ý kiến. Đổi lại, giáo viên cần nhận thức rõ vai trò, quyền hạn, trách nhiệm để tham gia vào công việc giám sát đúng lúc, chỗ, quy định”, thầy Thắng chia sẻ.

Cũng theo thầy Ngô Chiến Thắng, đầu năm học, các nhà trường tổ chức Hội nghị cán bộ, viên chức, người lao động. Dịp này, Hội đồng nhà trường sẽ công khai báo cáo tổng kết năm học trước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu của năm học tiếp theo. Đây là hội nghị quan trọng để giáo viên nắm bắt thông tin, kế hoạch hoạt động mọi mặt.

Đồng thời góp ý kiến xây dựng các quyết nghị. Bên cạnh đó, suốt năm học, quá trình thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch sẽ được nhà trường thông báo về tiến trình, kết quả. Một số chương trình, hoạt động cần điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp thực tiễn cũng thông báo công khai. Lúc này, giáo viên cần bắt kịp thực tế công việc, thực hiện vai trò giám sát bằng việc tham gia bàn luận, kiến nghị giải pháp.

Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng, Nghị quyết 29-NQ/TW đã chỉ rõ, đổi mới giáo dục phải gắn với dân chủ và tự chủ của cơ sở giáo dục. Nhưng hiện nay, việc thực hiện tự chủ chủ yếu thực hiện ở giáo dục đại học, còn giáo dục phổ thông cần có thời gian, lộ trình.

Thực tế, Chương trình GDPT 2018 đã giao quyền tự chủ về các nhà trường. Mỗi cơ sở giáo dục được tự xây dựng chương trình nhà trường, tầm nhìn, triết lý giáo dục. Đây cũng chính là các bước để thực hiện dân chủ và tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng đào tạo.

Để thực hiện dân chủ và tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội trong cơ sở giáo dục trước hết phải nêu cao vai trò đi đầu của hiệu trưởng; đẩy mạnh vai trò giám sát của giáo viên và học sinh, phụ huynh. Trong đó, ban đại diện của cha mẹ học sinh cần phải có tiếng nói, hiệu lực trong việc tham gia đánh giá hiệu quả các chương trình giáo dục nhà trường. Thực hiện mối liên kết nhà trường, gia đình và xã hội. Thước đo đánh giá dân chủ trong nhà trường chính là chất lượng giáo dục, sự tin yêu của học sinh và đồng thuận, ủng hộ từ phụ huynh.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/dan-chu-trong-truong-hoc-can-xay-dung-co-che-giam-sat-du-manh-post661266.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/dan-chu-trong-truong-hoc-can-xay-dung-co-che-giam-sat-du-manh-post661266.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dân chủ trong trường học: Cần xây dựng cơ chế giám sát đủ mạnh