Chính sách giáo dục

Đang rà soát để sửa sách giáo khoa sau sáp nhập tỉnh, thành

Lê Vân/Báo Tin tức và Dân tộc 12/07/2025 14:16

Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin về việc rà soát, điều chỉnh một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) nhằm bảo đảm tính phù hợp với thực tiễn và bối cảnh sáp nhập tỉnh, thành. Các đơn vị xuất bản đang rà soát, tiến hành sửa chữa sách giáo khoa, trình Bộ thẩm định thông qua theo quy trình.

Chú thích ảnh
Sách giáo khoa mới đa dạng về cách trình bày thu hút học sinh. (Ảnh: Lê Vân)

Hạn chế mức thấp nhất thay đổi sách

Trong năm 2025, việc rà soát chương trình và sách giáo khoa được triển khai trong bối cảnh cả nước thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 ngày 12/6/2025 của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Trên cơ sở rà soát, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã xác định một số môn học chịu tác động trực tiếp từ việc thay đổi địa giới hành chính gồm: Lịch sử và Địa lí lớp 4, lớp 5, lớp 9; Địa lí lớp 12; Lịch sử và Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 10. Các môn này sẽ thực hiện các bước theo quy định để chỉnh sửa chương trình môn học làm căn cứ để thực hiện chỉnh sửa sách giáo khoa, như cập nhật yêu cầu cần đạt, nội dung kiến thức, địa danh, số liệu, bản đồ, biểu đồ và thông tin kinh tế – xã hội...

Theo Bộ GD&ĐT, việc chỉnh sửa chương trình môn học được thực hiện trên nguyên tắc hạn chế đến mức thấp nhất việc thay đổi sách giáo khoa, tăng cường hướng dẫn để giáo viên, nhà trường chủ động thực hiện chương trình theo thẩm quyền cho phù hợp với thực tế.

Chương trình GDPT 2018 thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông, bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh. Sách giáo khoa cụ thể hóa nội dung Chương trình và được xác định là học liệu, tài liệu quan trọng để các nhà trường lựa chọn tổ chức dạy học. Giáo viên, nhà trường được giao quyền chủ động để sắp xếp chủ đề học tập, cập nhật, bổ sung nội dung cho phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện tổ chức dạy học và điều kiện thực tiễn.

Vì vậy, năm học 2025-2026, giáo viên và nhà trường tiếp tục sử dụng chương trình, sách giáo khoa hiện hành, đồng thời có trách nhiệm chủ động lựa chọn, điều chỉnh ngữ liệu, bài học, chủ đề giảng dạy phù hợp với thực tiễn địa phương và mô hình chính quyền hai cấp.

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, nhà trường triển khai thực hiện bảo đảm liên tục, không gián đoạn và phù hợp với thực tế.

Gấp rút rà soát, triển khai

Bộ GD&ĐT cho biết, đang khẩn trương hoàn tất rà soát, đánh giá việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 để cập nhật, điều chỉnh một số môn học nhằm bảo đảm chương trình được triển khai phù hợp với thực tiễn; đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước qua từng giai đoạn. Trong đó, có các môn học bị ảnh hưởng do điều chỉnh địa giới hành chính. Bộ GD&ĐT sẽ hướng dẫn các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân có sách giáo khoa được phê duyệt, chỉnh lý nội dung cần thiết để cập nhật thông tin hành chính mới theo hướng bảo đảm tính ổn định của sách giáo khoa, hiệu quả trong triển khai dạy học.

Đối với nội dung giáo dục địa phương, căn cứ Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, trên cơ sở chương trình khung và các văn bản của Bộ GD&ĐT đã ban hành, các địa phương chủ động lựa chọn và xây dựng nội dung giáo dục địa phương, bảo đảm phù hợp với đặc điểm của đơn vị hành chính mới và mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, phát huy tính chủ động của địa phương trong tổ chức thực hiện chương trình, đồng thời đảm bảo nội dung giáo dục được cập nhật kịp thời theo những thay đổi hành chính – xã hội mới.

Về phía các đơn vị xuất bản sách giáo khoa, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Ủy viên Hội đồng thành viên, Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Namcho biết, NXB Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tổ chức bản thảo và các Ban biên tập rà soát, thống kê nội dung về yêu cầu cần đạt, kiến thức, số liệu, địa danh, bản đồ, biểu đồ, thông tin kinh tế xã hội, liên quan đến thay đổi địa giới hành chính và chính quyền hai cấp, báo cáo Bộ GD&ĐT xin ý kiến chỉ đạo để sửa chữa. Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành nội dung chỉnh sửa, cập nhật trong chương trình một số môn học như Bộ GD&ĐT đã thông báo, NXB Giáo dục Việt Nam sẽ tiến hành sửa chữa SGK, trình Bộ GD&ĐT thẩm định thông qua theo đúng quy trình.

Theo đó, nguyên tắc của việc sửa SGK phải bám sát, cập nhật các nội dung về yêu cầu cần đạt, về kiến thức, số liệu, địa danh, bản đồ, biểu đồ, thông tin kinh tế xã hội…, trên nguyên tắc sao cho hạn chế thấp nhất việc sửa chữa nội dung của SGK. Những phương pháp, kiến thức; đặc biệt là phương pháp dạy học của SGK được cải thiện theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất đúng định hướng.

PGS.TS Nguyễn Văn Tùng cho biết, NXB đã tổ chức biên soạn để tiệm cận chất lượng SGK các nước trên thế giới. Chất lượng của chúng tôi tập trung vào “Chuẩn mực khoa học và hiện đại”. Bộ GD&ĐT sẽ có chỉ đạo hướng dẫn cụ thể về việc này, tinh thần là các nhà trường, các thầy cô giáo sẽ chủ động trong việc điều chỉnh ngữ liệu, nội dung bài học, chủ đề dạy học trên cơ sở phù hợp với thực tiễn địa phương và chính quyền hai cấp.

NXB Giáo dục Việt Nam sẽ tích cực hỗ trợ nhà trường và giáo viên sử dụng SGK hiện hành theo đúng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Theo baotintuc.vn
https://baotintuc.vn/giao-duc/dang-ra-soat-de-sua-sach-giao-khoa-sau-sap-nhap-tinh-thanh-20250712061324782.htm
Copy Link
https://baotintuc.vn/giao-duc/dang-ra-soat-de-sua-sach-giao-khoa-sau-sap-nhap-tinh-thanh-20250712061324782.htm
Bài liên quan
Bảng giá sách giáo khoa bậc Tiểu học áp dụng cho năm học 2025-2026
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa thông báo bảng giá sách giáo khoa bậc Tiểu học, áp dụng cho năm học 2025-2026.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đang rà soát để sửa sách giáo khoa sau sáp nhập tỉnh, thành