Điển hình tại Hải Dương, trước thềm năm học mới, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022 - 2023. Trong Chỉ thị có nêu: Tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 chủ động, thích ứng linh hoạt với thiên tai, dịch bệnh; tổ chức dạy và học vừa đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục.
Ông Lê Tuấn Tứ - đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Khánh Hòa - nhấn mạnh, chuyển đổi số giáo dục không chỉ là có thể tổ chức giảng dạy và học tập từ bất kỳ đâu, mà quan trọng hơn là cá nhân hóa trải nghiệm và tạo ra các phương pháp tương tác mới có khả năng tiếp cận, truyền cảm hứng cho mọi người. Tuy nhiên, hiện có một bộ phận không nhỏ học sinh, phụ huynh không mặn mà, tha thiết với hình thức dạy học trực tuyến. Và nếu các cơ sở giáo dục và giáo viên chủ quan, không xây dựng kế hoạch dạy – học trực tuyến trong năm học, thì nguy cơ bị gián đoạn, thậm chí là đứt gãy kỹ năng, năng lực dạy – học trực tuyến, rộng hơn là chuyển đổi số có thể xảy ra.
Từ hình thức dạy – học trực tuyến trong hai năm học vừa qua, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ khẳng định, ngành Giáo dục có nhiều tiềm năng, thế mạnh để tiên phong ứng dụng công nghệ. Đồng thời, khẳng định phương thức dạy học trực tuyến không chỉ là giải pháp tạm thời trong mùa dịch, mà còn là phương thức quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục từ mầm non đến đại học. Qua đó giải phóng năng lượng lớn cho giáo viên, giảm tải các thủ tục hành chính; đặc biệt, nhiều kiến thức, kinh nghiệm được chia sẻ, nâng lên.
Điều đáng nói là, cả giáo viên và học sinh đã có được những năng lực và kỹ năng nhất định để thích ứng với công nghệ, chuyển đổi số trong giáo dục. Ngoài ra, thông qua hình thức dạy – học trực tuyến, học sinh phát triển kỹ năng tự học. Đây là cơ hội để chúng ta quyết tâm đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo.
Song, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, những năng lực, kỹ năng trên cần được rèn luyện, bồi dưỡng thường xuyên, nếu “bỏ bẵng” không sớm thì muộn cũng bị mai một, nhất là với học sinh tiểu học. Do đó, cần coi dạy học trực tuyến không phải là phương thức tình thế trong mùa dịch. Hình thức này cần tiếp tục được triển khai, cộng hưởng với dạy học trực tiếp. “Nếu làm tốt được việc này, không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục, giúp học sinh tiếp cận được với nhiều kiến thức, kỹ năng hiện đại trong và ngoài nước, mà còn có thể rút ngắn thời gian học trên lớp mà chất lượng vẫn đảm bảo” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.
Lớp học trực tuyến của cô Hồ Thị Huyền Trang trong thời điểm giãn cách xã hội. Ảnh: NVCC |
Vẫn nên duy trì
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ viện dẫn, trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và của Bộ GD&ĐT đều công nhận phương pháp giáo dục, đào tạo trực tuyến. Vì thế, trong năm học 2022 – 2023, dù các hoạt động đã trở lại bình thường, kể cả lĩnh vực giáo dục đào tạo, các cơ sở giáo dục vẫn nên duy trì hình thức dạy – học trực tuyến hoặc hội nghị, hội thảo kết hợp trực tuyến với trực tiếp.
“Có thể không thường xuyên, nhưng nhà trường nên xây dựng kế hoạch giáo dục ít nhất mỗi môn có 1 tiết dạy học trực tuyến/tuần. Qua đó nhằm củng cố, rèn luyện và phát triển năng lực dạy – học online của thầy – trò. Đây cũng là giải pháp nhằm thích ứng linh hoạt khi có tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra, tránh tình trạng bị động, lúng túng khi phải chuyển đổi từ dạy học tiếp sang trực tuyến (nếu cần); đồng thời tránh nguy cơ đứt gãy chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh, đồng thời viện dẫn: Singapore vẫn duy trì tồn tại song song hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến. Chúng ta có thể tham khảo để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương, cơ sở giáo dục.
“Tôi không quan ngại giáo viên và học sinh thiếu kỹ năng dạy - học trực tuyến, điều tôi quan tâm là làm thế nào để có đủ điều kiện và phương tiện tổ chức dạy học trực tuyến hay không? Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, giáo viên vẫn nên tương tác với học sinh qua hình thức online dựa trên các nền tảng công nghệ nêu trên. Đó cũng là cách để những kỹ năng, năng lực dạy – học trực tuyến của thầy – trò không bị mai một, đứt gãy” - bà Tăng Thị Ngọc Mai trao đổi.
Ở góc nhìn khác, bà Tăng Thị Ngọc Mai – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh - cho rằng, công nghệ phát triển giúp thầy cô có thể sử dụng nhiều phần mềm để dạy học trực tuyến, phổ biến nhất là Zoom, hoặc trên một số nền tảng phần mềm công nghệ khác.
Bên cạnh đó, bà Mai nhấn mạnh: Khoa học công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong giáo dục. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các giải pháp số mới trở thành hướng đi bắt buộc. Giờ đây, dạy – học trực tuyến là hình thức không thể thiếu trong giáo dục hiện nay. Do đó, sở khuyến khích các cơ sở giáo dục duy trì hình thức dạy - học trực tuyến trong năm học 2022 - 2023.
Trà Vinh vẫn duy trì kênh truyền hình để phát sóng các tiết học trực tuyến của bậc phổ thông. Ngoài ra, cơ sở giáo dục có thể duy trì hội nghị, hội thảo bằng hình thức trực tuyến, kết hợp trực tiếp. Giáo viên học sinh có thể duy trì hình thức ôn tập trực tuyến để những kỹ năng liên tục được củng cố và bổ sung. Bên cạnh đó, các trường có thể triển khai kiểm tra, đánh giá trực tuyến, tiếp tục ứng công nghệ trong quản trị…
Trong giai đoạn bình thường mới, khi các trường học mở cửa trở lại, nhiều trường học có xu hướng quay về giảng, dạy theo các phương thức truyền thống như trước đại dịch. Đây là hệ quả tất yếu nếu những nỗ lực trong đại dịch chỉ đơn thuần là thay đổi phương thức liên lạc từ trực tiếp sang trực tuyến, mà thiếu đi những điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng cũng như sự chuyển dịch trong tư duy sư phạm và quản lý.