Văn hóa

Danh thần phụng sự 3 đời vua Trần

21/09/2024 11:18

Sinh ra trong thời đại nhiều nhân tài nhưng Đoàn Nhữ Hài vẫn khẳng định được bản thân, trở thành danh thần 'văn võ song toàn'.

Sinh ra trong thời đại nhiều nhân tài nhưng Đoàn Nhữ Hài vẫn khẳng định được bản thân, trở thành danh thần “văn võ song toàn”, vào sinh ra tử giúp đỡ 3 đời vua nhà Trần bảo vệ cơ đồ.

Chàng thư sinh lạc đường vì mải học

Đoàn Nhữ Hài (1280-1335) sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống “văn võ song toàn” tại làng Hội Xuyên, huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu (nay là huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Cha của ông là Đoàn Phúc Trung, tướng dưới quyền của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, tham gia nhiều trận đánh chống lại quân xâm lược Nguyên - Mông.

Từ thuở nhỏ, Đoàn Nhữ Hài sớm bộc lộ tư chất thông minh, thiên tư đĩnh ngộ. Ông ham mê học tập, tính tình lanh lợi hoạt bát, thông làu kinh sử, sức học và tài năng của ông vượt xa các bạn cùng trang lứa. Mong muốn rèn luyện con trai thành người tài, góp công sức cho đất nước, Đoàn Phúc Trung gửi Nhữ Hài lên kinh thành Thăng Long học tập.

Theo Đại việt sử ký toàn thư, năm Hưng Long thứ 7 (1299), bấy giờ Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) từ phủ Thiên Trường về kinh đô Thăng Long. Các quan trong triều không ai hay biết, còn vua Trần Anh Tông (1276-1320) uống rượu say.

Thái Thượng hoàng đi dạo thăm khắp cung điện nhưng không thấy vua. Tức giận, ông lập tức trở về phủ Thiên Trường, xuống chiếu cho các quan ngay ngày mai đều phải tới phủ để điểm danh, ai trái lệnh sẽ bị xử tội.

Trời chập tối, vua Trần Anh Tông mới tỉnh rượu. Cung nhân mang việc này tâu lên, vua sợ quá nên đi bộ ra khỏi cung. Đi đến chùa Tư Phúc, vua thấy Đoàn Nhữ Hài đang đứng ở cửa chùa nên hỏi thăm. Chàng thư sinh vội vàng phủ phục thưa: “Thần vì mải học, đi lỡ ra đây”.

Sau khi kể chuyện mình say rượu, đắc tội với Thượng hoàng, vua Anh Tông lệnh cho Nhữ Hài soạn một bài biểu để mang đi tạ lỗi với cha. Sau khi soạn xong biểu, vua tôi dong thuyền tới phủ Thiên Trường.

Đến nơi, vì còn tức giận nên Thượng hoàng không nhận biểu, Nhữ Hài đành quỳ trước cửa chờ đợi. Trời về chiều mưa to, gió lớn kéo đến, chàng thư sinh vẫn quỳ không di chuyển nên Thượng hoàng sai người ra nhận biểu để xem.

Đọc từng từ, từng ý đều rất cầu khẩn, Thượng hoàng Trần Nhân Tông truyền Nhữ Hài vào, xuống chiếu cho Trần Anh Tông tiếp tục làm vua, các quan được trở về triều. Vua từ Thiên Trường trở về Thăng Long liền phong Đoàn Nhữ Hài làm chức Ngự sử trung tán và trở thành cận thần bên cạnh mình.

Năm 1303, vua Trần Anh Tông cử Nhữ Hài đi sứ nước Chiêm Thành. Trước đây, sứ giả nước ta đều phải lạy vua Chiêm trước, rồi sau mới mở chiếu thư. Trong chuyến đi sứ của mình, Nhữ Hài bưng ngay chiếu thư để lên trên án và nói với vua Chiêm: “Từ khi sứ thiên triều mang chiếu thư của thiên tử sang, xa cách ánh sáng lâu ngày, nay mở chiếu thư, thực như trông thấy mặt thiên tử. Tôi phải lạy chiếu thư đã, rồi mới tuyên đọc sau”, trích Đại Việt sử ký toàn thư.

Nói xong, Nhữ Hài lập tức hướng vào tờ chiếu mà lạy. Vua Chiêm thấy vậy rất khâm phục, không thể trách mắng vị sứ thần này. Thời gian đi sứ Chiêm Thành chỉ một năm, nhưng nhờ thông minh, kế sách hay nên Đoàn Nhữ Hài không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của triều đình giao cho mà còn phá bỏ được tục lệ cũ, tạo ra tiền lệ cho những người sau này sang sứ.

Trở về nước, Đoàn Nhữ Hài tâu trình toàn bộ kết quả chuyến đi sứ của mình cho Thượng hoàng Trần Nhân Tông và được ngài khen ngợi là người tài giỏi. Vua Trần Anh Tông cũng phong cho Đoàn Nhữ Hài chức Tri khu mật viện sự. Đây là chức vụ cao trong triều đình, thường chỉ bổ nhiệm cho người tôn thất trong hoàng tộc nắm giữ.

danh than phung su 3 doi vua tran (5).jpg
Tượng Kinh lược sứ Nghệ An Đoàn Nhữ Hài đặt trong đền Vạn

Đốc tướng hy sinh anh dũng trên chiến trường

Tháng sáu năm Bính Ngọ thứ 14 (1306), Thượng hoàng gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân. Đổi lại, Chế Mân dâng đất 2 Châu Ô, Châu Rý làm lễ vật dẫn cưới.

Một năm sau, Nhà Trần đổi tên 2 vùng đất này thành Châu Thuận và Châu Hóa sát nhập vào Đại Việt. Tuy nhiên, người dân nơi đây không chịu thuần phục nên liên tục nổi dậy chống lại triều đình.

Một lần nữa, tài năng của Đoàn Nhữ Hài được nhà vua tin dùng. Ông được phái đến quản lý 2 vùng đất này. Quá trình làm quan tại đây, Đoàn Nhữ Hài thực hiện cấp ruộng đất cho người dân, giảm tô thuế 3 năm, lấy người địa phương bổ nhiệm làm các chức quan. Bằng kế sách mềm dẻo, chính sách an dân của ông mang lại hiệu quả, người dân Châu Thuận, Châu Hóa bằng lòng quy phục triều đình, yên ổn làm ăn hưởng thái bình thịnh trị.

Tháng 12 năm Nhâm Tý (1312), vua Chiêm Thành là Chế Chí phản trắc. Vua Trần Anh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành lấy Đoàn Nhữ Hài làm Thiên tử chiêu dụ sứ. Bằng tài mưu lược của mình, Đoàn Nhữ Hài bí mật tiếp cận, dùng lý lẽ thuyết phục trại chủ Câu Chiêm (một cận thần thân tín của Chế Chí) ra đầu hàng.

Thuần phục được Câu Chiêm, vua Chế Chí cũng thuận theo, đem gia quyến đi đường biển tới gặp vua Anh Tông đầu hàng. Với tài năng ngoại giao, mưu trí dũng lược, Đoàn Nhữ Hài đã dẹp quân Chiêm, giữ yên bờ cõi nước nhà mà không cần phải dùng đến một mũi tên.

Về sau, nhận thấy vùng đất Nghệ An có vị trí chiến lược quan trọng, giáp biên giới, thường bị quân Chiêm dòm ngó, quấy nhiễu. Vua giao cho Đoàn Nhữ Hài quản lĩnh 2 hiệu quân Thần Sách, Thần Vũ vào làm Kinh lược sứ Nghệ An. Sau này, ông cũng đưa họ hàng, con cháu vào Nghệ An định cư, khai hoang lập làng.

Năm Khai Hựu thứ 7 (1335) dưới triều vua Trần Hiến Tông, quân Ai Lao vào xâm lược vùng đất Nam Nhung (các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương ngày nay). Thái Thượng hoàng Trần Minh Tông thân chinh đem quân đi đánh, cử Đoàn Nhữ Hài làm Đốc tướng.

Vùng đất Nam Nhung địa hình hiểm trở, sông ngòi nhiều. Đoàn Nhữ Hài chủ quan, cho rằng số lượng quân Ai Lao đóng giữ ở đây ít nên ông chỉ sử dụng quân Thần Vũ và quân Nghệ An ra trận.

Đến ngày giao chiến, mây mù che tối, giặc đã phục sẵn voi ngựa. Khi hai mặt giáp công, quan quân Nhà Trần thất thế thua trận, sa xuống nước chết đuối đến quá nửa. Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài cũng anh dũng tử trận. Thi thể ông trôi dạt, được người dân địa phương tìm thấy ở ngã ba Cửa Rào.

Triều đình nhà Trần sau đó củng cố lại lực lượng, hoàn thành việc đánh đuổi giặc Ai Lao ra khỏi bờ cõi, cuộc sống trở lại thanh bình. Lúc ấy, người dân ấp Nam Nhung đã lập đền Vạn (còn gọi là đền Cửa Rào) tại ngã ba sông, nơi Đoàn Nhữ Hài tử trận để tưởng nhớ công lao của Đốc tướng và binh sĩ nhà Trần đã hy sinh vì sự bình yên của cuộc sống vùng biên cương.

Ngôi đền linh thiêng nơi ngã ba sông

Tương Dương cũng là vùng đất ghi dấu chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng gắn liền với quá trình dựng nước và bảo vệ bờ cõi của dân tộc. Trong các triều đại phong kiến, khu vực Cửa Rào là nơi diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt, được xem là địa bàn xung yếu với vị trí đắc địa là ngã ba sông.

Thời nhà Lý, với chiến công của Lý Nhật Quang mở ra con đường lên sát biên giới Việt - Lào (tiền thân của đường Quốc lộ 7 ngày nay) để đánh tan quân Ai Lao giữ yên vùng biên giới.

Đến thời Lê, Tương Dương nói chung và vùng Cửa Rào nói riêng là nơi giao chiến cũng như là nơi mà nghĩa quân Lam Sơn lập căn cứ vùng thượng đạo, trong giai đoạn kháng chiến chống quân Minh.

danh than phung su 3 doi vua tran (6).jpg
Bia chứng tích đền Vạn tại Cửa Rào

Các nhà khảo cổ học khai quật được những hiện vật như: Mũi tên đồng, đao, kiếm, giáo, mác hay lưỡi rìu bằng đá; các chì lưới và dọi se chỉ, bàn mài đá, bôn đá, một số sản phẩm gốm khá tinh xảo có hình trang trí tương tự đồ gốm văn hoá Phùng Nguyên ở đồng bằng Bắc Bộ.

Đền Vạn thờ Đoàn Nhữ Hài toạ lạc trên một quả đồi rộng, được bao phủ bởi rất nhiều cây xanh. Bên trái đền là dòng sông Nậm Mộ, bên phải là dòng sông Nậm Nơn, phía trước là dòng sông Lam uốn lượn, phía sau đền là rừng xanh. Đối diện với đền, bên kia sông, trước năm 1945 là nơi đặt phủ Tương Dương - trung tâm văn hoá, chính trị của miền Tây Nghệ An xưa.

danh than phung su 3 doi vua tran (3).jpg
Năm 2005, đền Vạn được chính quyền địa phương phục hồi lại theo kiến trúc vốn có ban đầu.

Ngôi đền giá trị văn hoá lịch sử, bố cục theo kiểu chữ Đinh bao gồm nhà bái đường, hậu cung, kết hợp với một số kiến trúc khác như cổng đền, sân đền, tắc môn… tạo thành một di tích hoàn chỉnh. Trong đó, nhà bái đường lợp ngói âm dương, hai đầu hồi đắp nổi hình “lưỡng long chầu nguyệt” cùng với hai chim phượng ngậm dải lụa đang vỗ cánh bay lên.

Trong đền hiện còn lưu giữ được một số đồ thờ bằng đồng từ thời văn hóa Phùng Nguyên như: Chuông đồng, lư hương đồng, tượng Phật bà Quan âm…

Hơn 15 năm thủ từ tại đền Vạn, ông Nguyễn Trọng Thắng (SN 1962, trú tại thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương) cho biết, trải qua thời gian, chiến tranh, thiên tai, kiến trúc đền không còn được nguyên vẹn như trước nữa.

Năm 2005, được sự quan tâm của chính quyền và nhân dân, đền được phục hồi lại theo kiến trúc vốn có ban đầu. Về sau, người dân rước linh vị Tam Tòa Thánh Mẫu (một trong Tứ bất tử theo quan niệm dân gian) về phối thờ tại Đền Vạn - Cửa Rào.

Mỗi khi có thuyền bè xuôi ngược, hành khách thường lên đền cầu xin các vị thần linh chở che cho hành trình luôn được bình yên, vượt qua thác ghềnh và sóng gió. Còn người dân huyện Tương Dương quanh năm chăm sóc hương khói và tổ chức lễ hội vào dịp đầu Xuân để ghi nhớ công đức của các bậc tiền nhân và giáo dục truyền thống quê hương cho thế hệ con cháu.

Năm 2009, đền Vạn được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Ngoài đền thờ nói trên, Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài còn được người dân làng Nguyệt Tiên, xã Diễn An (huyện Diễn Châu, Nghệ An) và một số làng thuộc huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương lập đền thờ để tưởng nhớ.

Đoàn Nhữ Hài có 36 năm làm quan, phụng sự cho 3 vua nhà Trần (Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông). Ông là tấm gương sáng về tấm lòng trung quân ái quốc, có đóng góp quan trọng trong quá trình đấu tranh và bảo vệ bờ cõi nước nhà.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/danh-than-phung-su-3-doi-vua-tran-post701494.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/danh-than-phung-su-3-doi-vua-tran-post701494.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Danh thần phụng sự 3 đời vua Trần