Danh tướng Việt khiến phương Bắc phải nể phục đúc tượng trấn ải

Trần Hoà | 01/03/2022, 09:08
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, người làng Chèm ở phường Thụy Phương (Bắc Từ Liêm – Hà Nội) lại tưởng nhớ đến danh tướng - nhà ngoại giao đầu tiên của Việt Nam: Lý Ông Trọng.

Thậm chí sau này, khi nhà Đường cử Cao Biền - một danh tướng giỏi thuật phong thủy sang làm Tiết độ sứ ở nước ta. Dù đến để cai trị nhưng Cao Biền rất sùng bái Lý Ông Trọng, đã cho sửa sang tu bổ đền thờ được nhân dân xây dựng từ trước đó, tạc thêm tượng gỗ rồi tôn xưng Lý Ông Trọng danh hiệu Lý Hiệu úy.

Trong “Việt điện u linh” chép: Đời Đức Tông nhà Đường, niên hiệu Trinh Nguyên năm đầu, Triệu Xương qua làm Đô hộ nước An Nam ta thường qua chơi làng Vương (làng Chèm), đêm mộng thấy cùng Vương (Lý Ông Trọng) nói chuyện trị dân, và giảng luận sách Xuân Thu tả truyện.

Nhân đó Triệu Xương mới hỏi thăm nhà cũ của Vương hồi xưa, thì chỉ thấy mù khói ngang trời, sông nước mênh mông, rêu phong đường đá, xanh rời cụm hoang, một mảnh nhàn vân phất phơ trên đám cỏ thôn hoa rụng. Ông mới lập lại đền thờ, xưởng cao lầu lớn, rồi chuẩn bị lễ vật đem đến tế Vương.

Đến lúc Cao Biền đánh phá nước Nam Chiếu, Vương thường hiển linh trợ thuận. Cao Biền lấy làm kinh dị, sai thợ trùng tu từ vũ tráng lệ hơn xưa, và chạm khắc tượng gỗ son thếp giống như thực mà đem lễ vật đến tế, từ đó, hương hỏa không khi nào hết.

Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu (1285, Trần Nhân Tông), sắc phong “Anh Liệt Vương”, đến bốn năm sau gia phong hai chữ “Dũng Mãnh”, năm Hưng Long thứ hai mươi (1312, Trần Anh Tông) gia phong “Phụ Tín Đại Vương”.

Sao phương Nam soi tỏ phương Bắc


Tương truyền Tần Thủy Hoàng đã cho dựng đền thờ Lý Ông Trọng.

Tương truyền vào những năm thời Càn Long nhà Thanh, có một lần vua Càn Long dẫn theo các Hàn lâm học sĩ đi qua một ngôi mộ cổ, vua chỉ tượng người đá cao lớn ở trước mộ và hỏi đây là người nào. Một Hàn lâm học sĩ trả lời rằng: “Người đá này tên là Ông Trọng”.

Vua Càn Long liền viết bài thơ rằng: Ông Trọng ngày nay gọi Trọng Ông/Hẳn do học hành chẳng dày công/Ngày nay không được làm học sĩ/Phạt đến Giang Nam làm phán thông.

Bài thơ này Càn Long có ý chê viên học sĩ hàn lâm gọi sai tên lẽ ra phải gọi là Trọng Ông (theo cách gọi người Trung Quốc), nên cách chức hàn lâm, giáng chức làm phán thông.

Câu chuyện trên cho thấy đến thời nhà Thanh thì tượng đá Ông Trọng khá phổ biến trong dân gian, nhưng có lẽ cả vị học sĩ và vua Càn Long không biết cái tên Ông Trọng là tên theo cách gọi người Việt, được người các triều đại phương Bắc vẫn gọi theo.

Lý Ông Trọng được tôn làm Thành hoàng làng và được gọi là Đức Thánh Chèm. Tiến sĩ Nghiêm Xuân Quảng viết trên “Thụy Phương đình bi ký” năm 1917 như sau: “Nước càng văn minh thì người càng biết yêu nước tổ, càng biết yêu nước tổ thì càng phải nhớ người xưa, nhớ sinh kính, kính sinh thờ; thờ phải có tượng, có đền.

Người trước làm, người sau sửa, đều bởi phụng sùng bái anh hùng mà ra. Một nước thế các nước cũng đều thế. Nước ta trên dưới hơn bốn nghìn năm, đệ nhất anh hùng xuất hiện ra làm cho nòi giống mình vẻ vang, sử sách mình rõ ràng, không ai hơn Đức Thánh Chèm. Ngài đẻ sinh nước ta mà công nghiệp ở cả nước Tàu, chẳng khác gì một ngôi sao mọc ở phương Nam mà soi sáng phương Bắc”.


Lễ hội đình Chèm diễn ra rất long trọng.

Thân thế và sự nghiệp của Đức Thánh Chèm mang màu sắc huyền bí, phần vì trải qua nghìn năm Bắc thuộc sử sách không còn, những ghi chép về ông hoàn toàn là do đời sau biên soạn, dựa vào truyền miệng dân gian.

Trải qua ngàn năm ngôi đình là nơi linh thiêng, tới thời Lê trung hưng (giai đoạn 1533 - 1789) đình được đại trùng tu, xây dựng bề thế như ngày nay.

Theo một số tư liệu, trước đây đình Chèm nằm trong đê sông Hồng. Tuy nhiên, cách đây hơn 200 năm có sự kiện vỡ đê Chèm nên đê phải đắp lại và đình Chèm thành ra nằm ngoài đê.

Vì ở ngoài đê nên vào những năm nước sông lên cao đình bị ngập, ảnh hưởng tới sự vững bền của đình. Không yên lòng với việc đó dân ba làng Chèm, Hoàng Xá, Liên Xá bàn nhau nâng đình lên cao và gọi là Kiệu đình.

Xoay quanh nhân vật Lý Ông Trọng, Ngô Thì Sĩ có bàn: Ông Trọng… làm quan với nhà Tần, chưa chắc là đúng… Vua Ngụy muốn rời người vàng đến đất Nghiệp nhưng nặng không mang đi được, nhân lấy đồng đúc 3 người gọi là Ông Trọng, bày ra ở ngoài cửa Tư Mã. Người đời sau đặt ra chuyện Ông Trọng thiêng liêng, để cho câu chuyện thần kỳ đó thôi.
Bài liên quan
Bảng nhãn Việt Nam (Kỳ 7): Theo vua tiết nghĩa, Nguyễn Mẫn Đốc lưu danh muôn thuở
Đỗ Bảng nhãn, không sợ chết mà ra sức phù Lê diệt Mạc – Nguyễn Mẫn Đốc đã lưu danh muôn thuở bởi tấm gương tiết nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Danh tướng Việt khiến phương Bắc phải nể phục đúc tượng trấn ải