Bảng nhãn Việt Nam (Kỳ 7): Theo vua tiết nghĩa, Nguyễn Mẫn Đốc lưu danh muôn thuở

Trần Hoà | 20/12/2021, 16:38
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đỗ Bảng nhãn, không sợ chết mà ra sức phù Lê diệt Mạc – Nguyễn Mẫn Đốc đã lưu danh muôn thuở bởi tấm gương tiết nghĩa.

Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc quê làng Dòng, xã Xuân Lũng, huyện Sơn Vi (nay là huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Cái chết của ông và người thầy là Trạng nguyên Vũ Duệ đã để lại cho người đời tấm gương tiết nghĩa hiếm có.

Gia đình khoa bảng

Nguyễn Mẫn Đốc thuộc họ Nguyễn Tam Sơn ở xã Xuân Lũng - một làng khoa bảng danh tiếng trên vùng đất trung du mà sau ngót mười thế kỷ phát triển của nho học đã sản sinh ra 205 người đỗ đạt theo các thứ bậc khác nhau, trong đó có 4 đại khoa, 21 trung khoa (17 giám sinh, 4 cử nhân), 122 tiểu khoa (113 sinh đồ, 9 tú tài), số còn lại là nho sinh 12 người, quan chức 8 vị (1 tri phủ, 2 tri châu, 5 tri huyện).

bang-nhan-ky-7.1.jpg

Tiết Nghĩa từ - Đền thờ Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc tại Xuân Lũng.

Sinh thành trong thế gia vọng tộc, có cha là tiến sĩ Nguyễn Doãn Cung (đỗ tiến sĩ năm Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 - 1469 đời vua Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Tả Thị lang bộ Lại). Nguyễn Doãn Cung là một trong những quan đầu triều có tài trong lĩnh vực đối ngoại nên được triều đình đương thời cử đi sứ sang nhà Minh vào năm Kỷ Dậu (1489) cùng các bồi thần Bùi Xương Trạch, Nguyễn Hán Đình.

Nguyễn Mẫn Đốc đã sớm phát huy được truyền thống thi thư, lễ nghĩa. Trong khoa thi năm Mậu Dần, niên hiệu Quang Thiệu 3, đời vua Lê Chiêu Tông (1518), Nguyễn Mẫn Đốc đã đậu Đệ nhất giáp tiến sĩ cập Đệ nhị danh (Bảng nhãn).

Theo các sách Đại Việt lịch triều đăng khoa lục (thế kỷ XVIII), Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075 - 1919) đều ghi ông đỗ tiến sĩ năm 27 tuổi. Riêng trên bia khoa bảng dựng năm 1793 đặt ở Văn chỉ làng Dòng, ghi ông đoạt học vị Bảng nhãn năm 21 tuổi.

Trí thông minh phi thường của Nguyễn Mẫn Đốc còn được kiểm chứng qua giai thoại về Trình mượn thầy học bộ Bắc sử để luyện thi, không ngờ trên đường về nhà đã nhập tâm hết cả cuốn sách, bèn vội đáo lại trả thầy và được thầy hết lời khen là sáng dạ.

Như vậy, hai cha con Nguyễn Doãn Cung và Nguyễn Mẫn Đốc cùng kế thế đăng khoa. Nguyễn Mẫn Đốc là người giành được học vị cao nhất, không chỉ đối với làng xã mà còn với cả tổng thời ấy. Đây là một vinh dự hiếm hoi của dòng họ Nguyễn Tam Sơn cũng như khoa bảng vùng đất Tổ.

bang-nhan-ky-7.4.jpg

Một trong các sắc phong cho Nguyễn Mẫn Đốc còn được lưu giữ nguyên vẹn.

Lấy cái chết tỏ lòng trung

Sự kiện Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc vì phù Lê, diệt Mạc mà tuẫn tiết được các tài liệu lưu trữ đương thời ghi nhận chính xác và về cơ bản là thống nhất. Theo chính sử, năm 1527, Mạc Đăng Dung đã tiếm ngôi nhà Lê. Con người xuất thân võ bị này thi đỗ Đệ nhất Đô lực sĩ, làm quan nhà Lê đến chỉ huy sứ, mỗi ngày một mở rộng thanh thế, nhân lúc nhà Lê suy yếu đến bước tận cùng bèn trở mặt soán nghịch, dựng nên vương triều Mạc.

Vua Lê Chiêu Tông phải rời kinh thành, chịu long đong ở Bảo Châu, thảo tờ mật chiếu gửi các đại thần, các công khanh và các sĩ phu, coi như Hịch Cần vương, lời lẽ khẩn thiết: “Trung thần nghĩa sĩ, thủ chính trú hành; kỳ sinh, dã vinh, kỳ tử dã linh” - Hỡi các bậc tôi trung, quân nghĩa, hãy vì lòng ngay giữ lấy thành trì. Lúc sống vinh, lúc chết được thiêng.

Khi đó Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc đã từ bỏ mọi vinh hoa phúc lộc dành cho một đại thần cùng Trạng nguyên Vũ Duệ và môn đồ Nguyễn Hoán gặp nhau. Không đầy 3 ngày sau, ba trăm nghĩa binh đã được chiêu mộ. Tiếp đó là lễ tế cờ, giết trâu, bò khao thưởng quân sĩ. Vì biết lực lượng nhỏ bé khó địch nổi quân Mạc Đăng Dung, mọi người cùng nhau xuất binh, lên đường tìm theo vua Lê Chiêu Tông.

Một buổi tối, trong một quán trọ dọc đường, nhiều binh sĩ nhớ nhà, thoái chí, muốn bỏ về liền bị Nguyễn Mẫn Đốc lớn tiếng mắng: “Loài chó lợn không thể cùng sống với người! Nào ai cấm đoán đâu! Hãy mau về nhà mà hưởng phú quý”.

bang-nhan-ky-7.2.jpg

Khôi phục văn chỉ làng Dòng.

Sáng hôm sau, tất cả lại lên đường tìm về Bảo Châu. Được nửa đường thì có tin nhà vua đã đi Mộng Sơn và cũng đang lo chiêu tập binh mã. Tiếp đến là tin vua đã chạy vào Thanh Hoa. Thầy trò Nguyễn Mẫn Đốc dẫn đoàn nghĩa sĩ đi thẳng vào Thanh Hoa. Sau bao hành trình vất vả vua tôi mới gặp nhau ở Lạc Thổ.

Còn Mạc Đăng Dung khi biết vua Lê Chiêu Tông chạy vào Thanh Hoa bèn cử tướng Phạm Trung Lập và cha con tướng Vương Văn Chấp đem binh mã tức tốc truy bức, xảy ra giao chiến lớn ở Cẩm Thủy.

Nhờ mưu trí và lòng dũng cảm của tướng Lê Duy Hàn và thầy trò Nguyễn Mẫn Đốc, vua Lê Chiêu Tông đã thoát khỏi vòng vây quân Mạc để lui về rừng núi huyện Lương Sơn. Tại đây, họ lại phải tử chiến với Phạm Trung Lập. Lê Duy Hàn ở đoạn hậu vượt lên kịp ứng cứu. Thầy trò Nguyễn Mẫn Đốc lại tiếp tục hộ giá nhà vua.

Dương Chấp Nhất được tin Phạm Trung Lập thất bại liền đuổi theo, hợp với tàn binh trước, tấn công mạnh thầy trò Nguyễn Mẫn Đốc. Lực lượng ít, lại gặp cường địch nên Nguyễn Mẫn Đốc vừa phải chống trả vừa lui quân. Vua tôi vì vậy mà lạc nhau. Đến được địa phận Lam Sơn thì các nghĩa sĩ bị tử thương đã nhiều trong khi quân Mạc còn dư sức.

Vũ Duệ bèn rút gươm chỉ lên trời mà hét to: “Ta liều thân để đáp đền nợ nước. Nhưng than ôi, sức cùng, lực tận rồi!”. Nói đoạn, hai thầy trò Trạng nguyên Vũ Duệ - Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc sửa mũ áo cùng hướng về lăng vua Lê Thái Tổ mà bái lạy rồi tự vẫn.

Hôm đó là ngày 22 tháng 2 năm 1522, ông hưởng thọ 31 tuổi.

bang-nhan-ky-7.3.jpg

Khu lăng mộ Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc tại Rừng Lăng (Lâm Thao - Phú Thọ).

Tiết nghĩa Đại vương

Nguyễn Mẫn Đốc là một trong 13 bề tôi có công theo vua Lê mà tiết nghĩa được truy phong Tiết Nghĩa Đại Vương, thụy Nhã Lượng. Năm 1667 (Đinh Mùi) đời Cảnh Trị thứ 5, niên hiệu vua Lê Huyền Tông, cho phép lập “Tiết Nghĩa từ” ở quê hương, xuân - thu nhị kỳ, gia ban quốc tế. Đây cũng là lúc triều Mạc Kinh Vũ, triều vua cuối cùng của nhà Mạc tan rã.

Tên của Nguyễn Mẫn Đốc được ghi vào bia đề danh tiến sĩ khoa Mậu Dần, niên hiệu Quang Thiệu 3 đặt ở Quốc Tử Giám (bia số 13). Hài cốt của ông được liệm trong quan, ngoài quách đồng, cho rước về quê táng tại một quả đồi ở xóm Lũng Bô. Còn được dựng lăng miếu thờ theo lệ của một vương tước, vì thế nơi ấy có tên là Rừng Lăng.

Đôi câu đối tương truyền do vua ban được lưu truyền trong dòng họ và làng xã một thời: “Tảo tuế khôi khoa thiên hạ hữu – Trung thần tiết nghĩa thế gian vô”, nghĩa là: Đỗ đạt sớm thì thiên hạ có người – Ít tuổi mà tiết nghĩa thế gian không có ai.

Ở Viện nghiên cứu Hán Nôm còn lưu trữ bản chữ Hán lẫn Quốc ngữ, do lý trưởng Nguyễn Liên, tiên chỉ Lê Như Bách và trưởng bạ Nguyễn Viết Đạo thị thực, ký tên áp triện năm 1943, ghi lại đôi câu đối: “Thần trung tử hiếu cương thường tại – Địa hiếu thiên lưu tiết nghĩa trường” (bề tôi trung, con cháu hiếu thảo, cương thường còn, tiết nghĩa bền).

Sách “Tam khôi bị lục” của Hồ Ngu Thụy gọi ông là “Thiếu niên kim tiết” (tuổi trẻ mà khí tiết như vàng). Các triều vua nối tiếp nhau đều có sắc phong cho Nguyễn Mẫn Đốc, tất cả gồm 10 đạo, bản gốc hiện vẫn còn được cất giữ tại đền thờ ông.

Nguyễn Mẫn Đốc cũng được phong Thành hoàng làng Xuân Lũng, Thượng đẳng phúc thần, một nhân thần bên cạnh thiên thần Thành hoàng Cao Sơn Đại Vương. Một số làng xã trong bản huyện cũng tôn ông làm Thành hoàng làng mình.

bang-nhan-ky-7.5.jpg

Thầy trò Trạng nguyên Vũ Duệ - Nguyễn Mẫn Đốc và Ngô Hoán đã tự vẫn để tỏ lòng trung.

“Trùng thuyên bi ký” khi bàn về Nguyễn Mẫn Đốc có bài tán: Khoa bảng đỗ đầu/ Theo vua tiết nghĩa/ Sinh tử đều vinh/ Cương thường giữ trọn.

Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân Hà Nhậm Đại có thơ khen Nguyễn Mẫn Đốc in trong tập “Khiếu vịnh thi tập”, đại ý: Nhà vua gặp nạn quyết phò nguy/ Hoạn nạn, lời thầy vẫn nhớ ghi/ Quán trọm mắng ngay phường chó lợn/ Bo bo danh lợi ấy mà chi/ Nhớ lúc ba sinh niềm vui cuối/ Nghĩa vì một chết để làm ghi/ Tiết trong, nước bạc lưu muôn thuở/ Tên ở Lam Sơn, đá chẳng đi.

Xả thân vì vua, Nguyễn Mẫn Đốc đã tỏ rõ lòng trung quân ái quốc. Đấy chính là điểm ngời sáng trong phẩm chất tính cách của một nho sĩ trung thần hiếm gặp. Sắc ban cho lập “Tiết Nghĩa từ” chính là nhằm tôn thờ lòng yêu nước của ông.

Năm 2015, Tiết Nghĩa từ - Đền thờ Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc chính thức được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.

Năm 2011, Văn chỉ làng Dòng được khôi phục, bài minh trong “Trùng thuyên bi ký” (dựng năm 1793) có câu: “Kẻ sĩ chen vai - Nhà nhà thi lễ” để nói về phong trào học tập ở làng Dòng. Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc không chỉ sinh ra trong gia đình thi lễ, anh rể ông – danh sĩ Nguyễn Hãng là tác giả bài phú “Đại Đồng phong cảnh” - thiên bút có một không hai dưới gầm trời nước Nam.

Bài liên quan
Bảng nhãn Việt Nam - Kỳ 1: Không cam lòng “đệ tam”, quyết chí dành “đệ nhất”
Dù đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân nhưng Trịnh Thiết Trường không nhận. Ông quyết chí 6 năm sau thi lại để chiếm bảng vàng “đệ nhất giáp” cho thoả tài học.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảng nhãn Việt Nam (Kỳ 7): Theo vua tiết nghĩa, Nguyễn Mẫn Đốc lưu danh muôn thuở