Chuyện thú vị về các Bảng nhãn Việt Nam (kỳ 3)

T. Hoà | 24/11/2021, 15:57
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đỗ Bảng nhãn rồi làm quan trải 8 đời vua Lê, Nguyễn Như Đổ là người đã đề nghị triều đình nhà Minh chấm dứt lệ cống ngọc trai.

Nguyễn Như Đổ sống qua 8 đời vua Lê: Lê Nhân Tông (1443 - 1459), Lê Thánh Tông (1460 - 1497), Lê Hiến Tông (1497 - 1504), Lê Túc Tông (1504), Lê Uy Mục (1505 - 1509), Lê Tương Dực (1510 - 1516), Lê Chiêu Tông (1516 - 1522) và Lê Cung Hoàng (1522 - 1527).

Ông được đánh giá là tài năng chính trị, ngoại giao và giáo dục hiếm có. Nhà sử học Phan Huy Chú từng đánh giá: “Ông lúc trẻ thi đỗ khôi nguyên, khi lớn làm quan to, lên được cõi thọ trăm tuổi, trải qua 8 triều vua, cũng là sự ít có trong hoạn đồ”. Trong phần Nhân vật chí, Phan Huy Chú còn đánh giá Nguyễn Như Đổ là một trong 18 người có công lao phò tá tài đức thời Lê Sơ.

bang-nhan-ky-3.1.jpg
Nguyễn Như Đổ từng chủ trì trùng tu, và làm Tế tửu (hiệu trưởng) hơn 10 năm tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Nhà giáo dục lỗi lạc

Nguyễn Như Đổ là người văn thơ nổi tiếng, tiếc rằng các sáng tác của ông bị mất mát nhiều, hiện nay chỉ còn lại một số bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn.

Nhà sử học Trần Văn Giáp viết: Trú ở phía Nam thành Thăng Long, ông là một nhà thơ đặc biệt Hà Nội. Dưới đây là hai bài thơ của ông, bản dịch của Nhóm văn học Lê Quý Đôn, in trong Hoàng Việt thi văn tuyển, NXB Văn hóa - 1958:

“Nhà ở trong vườn phía Nam thành/Nhà dựng Nam thành trải mấy xuân/Đám rau vườn thuốc mở mang dần/Chẳng e lối hẻm liền đường tía/Lại được rào thưa cách bụi trần/Mưa tạnh ếch kêu hồ rộn tiếng,/Cây râm chim hót bóng đầy sân/Trúc hoa sẵn đủ mùi thanh đạm/Mỗi buổi chầu tan hưởng thú bần”.

Nhà sử học Trần Văn Giáp viết: Qua bài thơ trên, chúng ta thấy thơ của ông thanh đạm mà phóng khoáng, tả cảnh sắc rất hoạt động. Câu cuối nhắc người ta nhớ đến câu: “Triều hồi nhật nhật điểm xuân y” (Chầu về, ngầy ngày cố áo xuân) của Đỗ Phủ, và cảm thấy ông đã cố gắng học tập cái tinh tế, hàm súc trong thơ Đỗ Phủ. Như bài sau đây chứng tỏ cái ung dung, thích thảng của một người có đạo đức cao quý, tự tin ở mình, coi thường danh lợi:

“Chiều xuân ở phòng sách/Nam thành xuân đã muộn/Nhà tranh ván sơ sài/Rêu biếc thềm phủ khắp/Cỏ xanh sân mọc đầy/Khách đến vừa tỉnh mộng/Chim kêu hoa cũng rơi/Thong thả qua ngày tháng/Kinh dịch chấm son mài”.

bang-nhan-ky-3.4.jpg

Đền Huỳnh Cung thờ nhà giáo Chu Văn An và các vị đại khoa.

Khi nhận xét về thơ của ông, “Lịch triều hiến chương loại chí viết”: “Bảng nhãn họ Nguyễn ở Lan Châu là người đỗ Khôi nguyên lúc mới khai quốc, văn chương có tiếng ở đời”.

Nguyễn Như Đổ không chỉ là một người giỏi văn chương mà còn thể hiện tài năng ở võ bị và giáo dục. Ông từng theo vua đi đánh Chiêm Thành, làm chủ khảo một số kỳ hi lớn của triều đình.

Năm Quý Mùi (1463), Như Đổ được cử làm độc quyển trong kỳ thi đình. Đó là một trong hai kỳ thi đông vui nhất của thời Lê Thánh Tông. Sĩ tử về kinh đô dự thi tới 1400 người. Kỳ này lấy Lương Thế Vinh đỗ Trạng nguyên. Sau đó, ông còn được cử làm Đề điệu (chủ khảo) trong hai kỳ thi đình năm 1466 và 1469.

Hơn 60 tuổi, Nguyễn Như Đổ vẫn được giao chủ trì trùng tu Văn Miếu Quốc Tử Giám, rồi làm Tế tửu Quốc Tử Giám 10 năm mới về hưu. Tên của ông được khắc trên tấm bia đá đầu tiên dựng năm 1484 đặt tại đình bia bên phải trong vườn bia Văn Miếu.

Trong đời Thái Hòa, ông vâng mệnh soạn bài văn bia miếu Lê Khôi - tướng tài và là cháu của vua Lê Thái Tổ, ở núi Nam Giới (nay ở địa giới hai huyện Can Lộc và Thạch Hà, Hà Tĩnh). Năm 1964, tấm bia đá khắc văn của Nguyễn Như Đổ bị bom Mỹ phá hủy.

Trải qua 8 đời vua với nhiều chức quan trọng yếu của triều đình, Nguyễn Như Đổ rành rẽ công việc ở triều chính, hiểu cần chuẩn bị những gì cho nền giáo dục, cho việc đào tạo nhân tài phục vụ đất nước.

Năm Ất Dậu (1526) đời vua Lê Cung Hoàng, Nguyễn Như Đổ mất tại quê nhà, hưởng thọ 103 tuổi

Tháng 3/1994, HĐND thành phố Hà Nội đã đặt một con phố ở quận Đống Đa mang tên Nguyễn Như Đổ để tôn vinh và tri ân danh nhân Thăng Long.

Tại làng Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp (Thanh Trì – Hà Nội) có đền thờ Đức Thánh Chu, do Phạm Sư Mạnh và Lê Bá Quát dựng trên nền trường cũ của Chu Văn An từ đời Trần. Hậu cung có 63 bài vị thờ những người đỗ đại, bài vị của Nguyễn Như Đổ đặt ở vị trí thứ hai, sau bài vị của Chu Văn An.

Bài liên quan
3 nữ sinh được vinh danh là Đại sứ văn hóa đọc
Đại sứ văn hóa đọc tiêu biểu năm 2021 vinh danh 3 nữ sinh Đỗ Vy Lam (Thanh Hoá), Bạch Hải Hạnh (Phú Thọ), Nguyễn Minh Phương (Học viện Nông nghiệp Việt Nam).

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện thú vị về các Bảng nhãn Việt Nam (kỳ 3)