Bảng nhãn Việt Nam - Kỳ 4: Văn chương áo mũ, khai dựng quốc sử

Trần Hoà | 04/12/2021, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Là người mở đầu khoa bảng xứ Thanh, và là vị Bảng nhãn thứ 2 của Việt Nam – Lê Văn Hưu toả sáng khí phách văn chương, dựng bộ quốc sử đầu tiên của nước Nam.

Năm Đinh Mùi 1247, Lê Văn Hưu đi thi đỗ Bảng nhãn. Đây là khoa thi đặc biệt, khi danh hiệu tam khôi thuộc về 3 học trò trẻ tuổi: Nguyễn Hiền (12 tuổi đỗ Trạng nguyên), Lê Văn Hưu (17 tuổi đỗ Bảng nhãn), Đặng Ma La (14 tuổi đỗ Thám hoa).

Lê Văn Hưu được coi là vị tiến sĩ đầu tiên của xứ Thanh, mở đầu con đường khoa cử cho vùng đất này. Trong đền thờ Lê Văn Hưu còn ghi câu đối: Khắc Thiệu Hóa cơ, Nam Bắc Đông Tây Sơn Đẩu vọng/Vĩnh Thanh Hoa địa, y quan chương phú lý dư hương. Nghĩa là: Đặt nền Thiệu Hóa, khắp Nam Bắc Đông Tây trông về Thái Sơn Sao Đẩu/Vững đất Thanh Hoa, văn chương áo mũ thơm làng xóm quê hương.

Sau khi thi đỗ, vua cho ông dạy hoàng tử Trần Quang Khải - người sau này trở thành Thượng tướng quân đầy uy dũng trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược. Sau đó, Lê Văn Hưu được bổ dụng và trải qua các chức quan Kiểm pháp, rồi Binh bộ Thượng thư, sau đó là Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử Viện giám tu.

Đặt nền móng sử học

Trong thời gian làm việc ở Quốc sử Viện, theo lệnh vua Trần Thái Tông, Lê Văn Hưu đã thu thập tất cả các tư liệu ghi chép ít ỏi và sơ sài của thời Lý và cùng thời để biên soạn lại. Đồng thời viết thêm rất nhiều phần khác để thành bộ quốc sử.

“Đại Việt sử ký” - bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam ghi lại những sự việc quan trọng chủ yếu trong một thời gian lịch sử dài gần 15 thế kỷ, từ Triệu Vũ đế (Triệu Đà) tới Lý Chiêu Hoàng. Bộ sử có tất thảy 30 quyển, hoàn thành năm 1272 và được vua Thánh Tông xuống chiếu ban khen.

bang-nhan-ky-4.4.jpg

Năm 1990, đền thờ Lê Văn Hưu được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Lê Văn Hưu được các sử quan đời sau đánh giá là “Đại thủ bút đời Trần”, “nghĩa lớn khen chê rành rành như công luận”. Lê Văn Hưu được đề cao như những nhà sử học lớn: Có người lấy tên nhà sử học Herodotos của Hy Lạp để sánh, hoặc ví ông như nhà sử học Tư Mã Thiên của Trung Hoa.

Từ bộ quốc sử đầu tiên, sử quan các triều đại sau đã biên soạn lại và bổ sung những giai đoạn lịch sử nối tiếp. Đời vua Trần Nhân Tông (1278 - 1293), quan Quốc Tử Giám bác sĩ tri Quốc sử Viện là Phan Phu Tiên vâng mệnh vua Lê soạn “Đại Việt sử ký” (soạn thêm từ đời Trần Thái Tông, đến khi Lê Lợi đánh đuổi quân Minh về nước – 1427).

Đời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497), vào năm 1479, sai sử quan tu soạn Ngô Sỹ Liên soạn “Đại Việt Sử ký toàn thư”, 15 quyển. Nhóm Ngô Sỹ Liên đã lấy hai bộ sử của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên, tức “lấy hai bộ sách của tiên hiền ra, hiệu chỉnh, biên soạn lại, thêm vào một quyển “ngoại kỷ” (nay là quyển 1) và “Tam triều bản kỷ” (gồm 3 triều: Lê Thái Tổ (1428 – 1433), Lê Thái Tông (1433 - 1442); Lê Nhân Tông (1442 - 1459). Dấu vết còn lại của bộ “Đại Việt Sử kỷ toàn thư” mà Ngô Sỹ Liên chủ trì là 166 đoạn dưới tiêu đề “Sử thần Ngô Sỹ Liên nói”.

Năm 1511, Vũ Quỳnh là sử quan Đô tổng tài soạn xong bộ “Thông giám thông khảo Đại Việt” gồm 26 quyển (còn gọi là “Việt giám thông khảo”). Bộ này có phần: Tứ triều bản kỷ (gồm 4 đời: Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, Lê Uy Mục là viết thêm, phần trước sửa chữa bổ sung tác phẩm của nhóm Ngô Sỹ Liên).

Ở đời Lê Huyền Tông (1662 - 1671), năm 1665 Phạm Công Trứ (1600 - 1675), được giao biên soạn quốc sử khi đang ở chức vụ Tham tụng, Lại bộ Thượng thư, kiêm Đông các đại học sĩ. Bộ sử của nhóm Phạm Công Trứ gồm 23 quyển chép từ thời Hồng Bàng đến Lê Thần Tông (1662).

Năm 1676, triều Lê Hy Tông (1676 - 1705), triều đình giao cho Hồ Sĩ Dương - Thượng thư Bộ Công trông coi việc sửa quốc sử. Công việc chưa xong thì năm 1681, Hồ Sĩ Dương mất, nhiệm vụ được tiếp tục do Lê Hy đang giữ chức Tham tụng, Hình bộ Thượng thư Tri Trung thư giám.

bang-nhan-ky-4.2.jpg

Lăng mộ Lê Văn Hưu tại khu di tích.

“Bộ Đại Việt Sử ký toàn thư” được hoàn thành năm 1697, niên hiệu Chính Hòa thứ 18, chép thêm hai đời vua: Lê Huyền Tông (1662 - 1671) và Lê Gia Tông (1671 - 1675). Bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” hiện nay được giữ nguyên bộ dạng bộ sử niên hiệu Chính Hòa thứ 18 này.

Do đã qua nhiều lần sửa chữa, hiệu đính nên trong đó phần “Đại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu chỉ còn giữ lại 30 đoạn dưới đề mục “Lê Văn Hưu nói”, thường gọi là “lời bàn của Lê Văn Hưu”. Những lời bàn này xoay quanh ba nội dung: Đất nước, nhân dân và đạo đức.

Lê Văn Hưu cáo quan trí sĩ tại quê nhà và mất ngày 23/3 năm Nhâm Tuất (1322), thọ 92 tuổi. Ngày nay, phần mộ Lê Văn Hưu ở xứ Mả Giòm có tấm bia dựng năm 1867 đề “Bảng nhãn Lê tiên sinh bi ký”. Năm 1990, đền thờ Lê Văn Hưu được được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia .

“Văn Hưu là người chép sử giỏi đời Trần, Phu Tiên là bậc cổ lão của thánh triều ta, đều vâng chiếu biên soạn lịch sử nước nhà, tìm khắp các tài liệu còn sót lại, tập hợp thành sách để cho người xem đời sau không có gì phải tiếc nữa, thế là được rồi”. - Lời của sử quan Ngô Sỹ Liên viết trong “Đại Việt sử ký toàn thư”.

Bài liên quan
Bảng nhãn Việt Nam - Kỳ 1: Không cam lòng “đệ tam”, quyết chí dành “đệ nhất”
Dù đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân nhưng Trịnh Thiết Trường không nhận. Ông quyết chí 6 năm sau thi lại để chiếm bảng vàng “đệ nhất giáp” cho thoả tài học.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảng nhãn Việt Nam - Kỳ 4: Văn chương áo mũ, khai dựng quốc sử