Trước đó, lãnh đạo các nước thuộc Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) áp đặt trừng phạt lên Niger và cho biết có thể cho phép sử dụng vũ lực nếu các lãnh đạo đảo chính không phục chức cho ông Bazoum trong vòng một tuần kể từ ngày 30-7.
Khối này cũng cử một phái đoàn đến Niger hôm 2-8 để thương thảo với lãnh đạo quân sự, hy vọng tìm giải pháp ngoại giao trước khi phải quyết định có can thiệp hay không.
Trong khi đó, chính phủ Bờ Biển Ngà ngày 2-8 quyết định đình chỉ tất cả hoạt động xuất nhập khẩu cũng như các thủ tục thông quan đối với hàng hóa đến từ Niger “cho đến khi có thông báo mới”. Động thái này được thực thi theo quyết định của ECOWAS sau cuộc đảo chính ở Niger ngày 26-7.
Reuters dẫn tài liệu của một công ty điện lực nhà nước Niger cho biết Nigeria đã cắt nguồn cung cấp điện cho Niger. Trong khi một lượng lớn tài xế xe tải ở thủ đô Niamey bị mắc kẹt do biên giới bị đóng cửa - những dấu hiệu đầu tiên về hậu quả các biện pháp trừng phạt sâu rộng của ECOWAS mà Tướng Tiani mô tả là “bất hợp pháp, bất công và vô nhân đạo”.
Phản ứng cứng rắn của ECOWAS đã khiến Mali và Burkina Faso – hai quốc gia láng giềng của Niger cũng đang do chính quyền quân sự quản lý – ra tuyên bố coi bất kỳ hành vi can thiệp nào vào Niger là lời tuyên chiến với hai nước này.
Mỹ ngày 2-8 cho biết nước này sẽ sơ tán một số nhân viên và người thân của họ khỏi đại sứ quán ở Niamey. Pháp, Ý và Đức đã sơ tán công dân do lo ngại nguy cơ xung đột ngày càng tăng ở Niger. Những chiếc máy bay quân sự đầu tiên chở công dân châu Âu đã hạ cánh xuống Paris và Rome vào ngày 2-8.