Đào tạo lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn: Cần chính sách thu hút giảng viên

03/04/2024, 06:39
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều cơ sở giáo dục đại học thông báo tuyển sinh, đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn ngay trong mùa tuyển sinh năm nay.

Viện dẫn báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Văn Khải (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam) cho hay, chỉ riêng lĩnh vực chip bán dẫn, dự báo nước ta cần đào tạo khoảng 50 nghìn đến 100 nghìn nhân lực giai đoạn 2025 - 2030.

“Hiện, chúng ta có gì hay mới chỉ bắt đầu?”, ông Trần Văn Khải đặt vấn đề, đồng thời cho rằng, dù thiện chí đến đâu, đầu tư hạ tầng nhà xưởng sẵn sàng thế nào, nhưng chưa có “ổ lót” là lao động chất lượng cao, chuyên sâu chuyển đổi và năng suất lao động được cải thiện thì làm sao “đại bàng công nghệ” có thể hạ cánh và “đẻ trứng vàng”…

Vì vậy, cần có chính sách đột phá, khắc phục tồn tại, hạn chế đang là rào cản, nút thắt cản trở sự phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trước mắt, cần có đội ngũ chuyên gia, giảng viên đạt trình độ để tham gia vào quá trình đào tạo. Muốn vậy, cần có cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ này (kể cả chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam được đào tạo bài bản, chuyên sâu ở nước ngoài).

Các cơ sở giáo dục đại học cần đề xuất chính sách ưu đãi thu hút, đào tạo giảng viên, chuyên gia và người học, là gợi ý của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại cuộc họp trực tuyến về đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn hồi đầu tháng 3/2024. Nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là tăng cường năng lực cho cơ sở giáo dục đại học, cả về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, công nghệ, chương trình đào tạo, công cụ phần mềm…

Thứ trưởng gợi mở, cần chú trọng đào tạo theo hướng “Rộng – Sâu – Cao”; trong đó tập trung vào yếu tố “Sâu và Cao”; tức là nhân lực có trình độ cao và chuyên sâu. Ngoài ra, chúng ta cần tranh thủ ủng hộ của các nước, người Việt Nam ở nước ngoài và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, doanh nghiệp.

Nhấn mạnh 6 nhóm vấn đề cần hành động trong thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị: Đẩy mạnh cơ chế hợp tác, liên minh, chia sẻ; tọa đàm về mô hình, chương trình đào tạo; chuẩn bị kỹ xây dựng đề án, thiết kế dự án phòng thí nghiệm; xúc tiến đẩy mạnh hợp tác quốc tế; các trường đề xuất cơ chế chính sách đột phá, huy động tối đa nguồn lực; đẩy mạnh truyền thông.

Mới đây, 5 cơ sở giáo dục đại học gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông ký kết Biên bản Hợp tác liên minh; trong đó có nội dung: Thống nhất đề xuất cơ chế, chính sách với Chính phủ để phát triển số lượng người học, tạo dựng đội ngũ chuyên gia về bán dẫn trong cơ sở giáo dục đại học.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/dao-tao-linh-vuc-cong-nghiep-vi-mach-ban-dan-can-chinh-sach-thu-hut-giang-vien-post677729.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/dao-tao-linh-vuc-cong-nghiep-vi-mach-ban-dan-can-chinh-sach-thu-hut-giang-vien-post677729.html
Bài liên quan
Đại học Việt Nam liên kết với trường nước ngoài đào tạo nhân lực bán dẫn
Trường Đại học FPT và Asia University (Đại học Á Châu) - thuộc Top 6 trường đại học tốt nhất Đài Loan (Trung Quốc) và Top 500 trên thế giới vừa ký kết biên bản thoả thuận hợp tác đào tạo trong lĩnh vực bán dẫn và sản xuất thông minh.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đào tạo lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn: Cần chính sách thu hút giảng viên