“Giải pháp trước mắt của Trường ĐH Công Thương TP Hồ Chí Minh là tuyển sinh thành nhiều đợt trong năm; đồng thời đào tạo liên thông lên thạc sĩ với những ứng viên đủ điều kiện. Chẳng hạn những sinh viên khá giỏi sẽ được học thử một số môn của cao học và khi học thạc sĩ chính thức sẽ được miễn môn này”, TS Thái Doãn Thanh thông tin.
Ở góc nhìn khác, theo GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), có nhiều “nút thắt” cần được tháo gỡ. Theo đó, nhiều quy phạm pháp luật về quản lý Nhà nước trong đào tạo sau đại học được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn như: Quy chế tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ của Bộ GD&ĐT.
Gợi ý các giải pháp đối với cơ sở đào tạo sau đại học, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc trao đổi, các cơ sở giáo dục đại học phải tự chủ cao, có trách nhiệm giải trình với xã hội để chủ động trong điều hành hoạt động, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo sau đại học và nghiên cứu, các đơn vị đào tạo với cơ sở sử dụng sản phẩm đào tạo thạc sĩ.
Ngoài ra, có thể thực hiện phương thức hỗ trợ với học viên cao học thông qua việc giao nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể và cấp kinh phí nghiên cứu tương ứng. Tăng cường phối hợp giữa bộ phận quản lý sau đại học với các bộ môn trong giảng dạy, thi và kiểm tra, định hướng đề tài nghiên cứu, đánh giá luận văn ở bộ môn, quản lý giám sát học viên cao học trong quá trình đào tạo và sinh hoạt khoa học.
Tại Hội thảo quốc tế “Đảm bảo chất lượng đào tạo sau đại học theo định hướng ứng dụng: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam”, GS.TS Philip Hallinger đến từ Đại học Mahidol (Bangkok, Thái Lan) trao đổi, các trường phải thay đổi tư duy đào tạo.
Nhiều trường, chương trình còn thiết kế theo kiểu làm nghiên cứu nhưng học rất nhiều; thời gian để người học thực sự được trải nghiệm, nghiên cứu ít. Điều này khiến người học dễ chán. “Vì thế, các trường cần trả lời các câu hỏi: Làm gì để sinh viên yêu thích đến trường? Có hoạt động gì để hỗ trợ dạy - học và làm thế nào giúp cho sinh viên học tập tốt nhất”, GS.TS Philip Hallinger gợi mở.
Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ, trong đó quy định việc tuyển sinh được tổ chức một hoặc nhiều lần trong năm do cơ sở đào tạo quyết định khi đáp ứng đủ điều kiện bảo đảm chất lượng thực hiện chương trình đào tạo thạc sĩ theo quy định hiện hành.
Phương thức tuyển sinh do cơ sở đào tạo quyết định bao gồm thi, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển nhưng bảo đảm đánh giá minh bạch, công bằng, khách quan và trung thực về kiến thức, năng lực của người dự tuyển. Cơ sở đào tạo được tổ chức tuyển sinh trực tuyến khi đáp ứng những điều kiện bảo đảm chất lượng để kết quả đánh giá tin cậy và công bằng như tuyển sinh trực tiếp.