NATO chỉ trích quyết định của Nga rút khỏi hiệp ước thời hậu Chiến tranh Lạnh là động thái mới nhất trong “loạt hành động đang làm xói mòn an ninh khu vực châu Âu - Đại Tây Dương một cách có hệ thống”. Bởi đây được đánh giá là hiệp ước quan trọng nhất nhằm đảm bảo an ninh ở châu Âu.
Trong khi hầu hết các hiệp ước được ký từ thời Chiến tranh Lạnh khác điều chỉnh việc bố trí và sử dụng tên lửa, thì văn kiện hướng tới việc ngăn cản xây dựng các lực lượng thông thường tại hoặc gần biên giới chung.
Cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan vừa lên tiếng cho rằng, việc Nga rút khỏi CFE và xung đột Nga-Ukraine đã thay đổi bối cảnh liên quan hiệp ước và nghĩa vụ của các bên liên quan.
Được biết, Nga đình chỉ tham gia CFE vào năm 2007 và tuyên bố ý định rút hoàn toàn khỏi hiệp ước vào năm 2015. Mới nhất, ngày hôm qua (7/11), Bộ Ngoại giao Nga thông báo nước này đã hoàn tất việc rút khỏi một thỏa thuận an ninh quan trọng thời chiến tranh lạnh, hơn 8 năm sau khi công bố ý định thực hiện điều này. Nga đổ lỗi cho Mỹ và các đồng minh khiến nước này phải rút khỏi hiệp ước.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ, nước này đã “để ngỏ cánh cửa đối thoại liên quan tới việc kiểm soát vũ khí thông thường ở châu Âu, song đối phương đã không tận dụng được cơ hội này”.
Trên thực tế, Nga đã chấm dứt tham gia vào các cơ chế của CFE từ năm 2015, khi gọi chúng là “lỗi thời” và “hoàn toàn không đồng bộ với thực tế hiện tại”, đồng thời cân nhắc tiến tới một thỏa thuận kiểm soát vũ khí thay thế.
Ông William Alberque, Giám đốc Chiến lược, Công nghệ và Kiểm soát Vũ khí tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nhận định: “Nga hiện cảm thấy hoàn toàn không bị ràng buộc về phương diện lực lượng thông thường. Thời kỳ của các thỏa thuận kiểm soát vũ khí song phương lớn có lẽ đã kết thúc. Và bây giờ người ta nói nhiều hơn về những mối quan hệ rất phức tạp, ngay cả khi những ông lớn như Mỹ và Trung Quốc giải quyết được vấn đề của họ.
Còn Trung Quốc với Ấn Độ hay Ấn Độ với Pakistan thì sao? Câu chuyện thậm chí còn phức tạp hơn nhiều. Số lượng vũ khí cũng lớn hơn nhiều. Vì vậy, việc kiểm soát vũ khí cũng sẽ phức tạp hơn nhiều trong tương lai. Đó là lý do tại sao chúng ta cần đối thoại nhiều hơn. Hiện tại chỉ các cuộc đối thoại liên quan đến Mỹ-Nga sẽ không giải quyết được mọi vấn đề”.