Sau một năm triển khai lựa chọn môn học/chuyên đề học tập, từ thực tiễn Trường THPT Phú Bài, bài học được thầy Hoàng Minh rút ra là, các tổ hợp cần hài hòa giữa khoa học tự nhiên, khoa học xã hội; không đưa ra quá nhiều tổ hợp khiến học sinh, cha mẹ học sinh rối, khó định hướng trong lựa chọn; cần tổ chức tư vấn, định hướng nghề nghiệp thật hiệu quả trước khi cho học sinh chọn tổ hợp để các em hiểu và có sự lựa chọn phù hợp.
Thầy Hoàng Minh thông tin: Năm học 2023 - 2024, Trường THPT Phú Bài định hướng 4 tổ hợp (thay vì 5 tổ hợp như năm trước), giúp học sinh lựa chọn phù hợp với năng lực và nguyện vọng để sau này thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH. Các môn trong cùng một tổ hợp bảo đảm hài hòa cho học sinh có năng lực thiên về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội.
Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) tư vấn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023 - 2024. |
Để hỗ trợ học sinh chọn tổ hợp phù hợp, ngay từ khi ban hành kế hoạch tuyển sinh cho năm học 2023 - 2024, nhà trường đã thông tin về các tổ hợp môn, số lớp dự kiến từng tổ hợp. Nếu nguyện vọng 1 học sinh không đáp ứng (căn cứ vào điểm thi tuyển sinh đầu vào), các em được xếp lớp theo tổ hợp đăng ký ở nguyện vọng 2 hoặc 3. Trường cũng đã tổ chức gặp mặt toàn bộ học sinh sau khi trúng tuyển để thông tin về tổ hợp các môn, đặc điểm tình hình nhà trường, dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025…
Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng thì cho rằng, nhà trường nên xây dựng càng ít tổ hợp càng tốt; cân bằng tổ hợp tự nhiên và tổ hợp xã hội; cho học sinh nhiều nguyện vọng khi đăng ký. Năm học 2023 - 2024 trường xây dựng 7 tổ hợp. Nếu lần 1 học sinh không đạt nguyện vọng đăng ký, các em sẽ được đăng ký lần 2. Ở lần 2, học sinh được đăng ký 4 nguyện vọng và nhà trường xét theo thứ tự ưu tiên từ nguyện vọng 1 đến nguyện vọng 4.
Với Trường THPT Tân Sơn, kinh nghiệm được thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng rút ra là phải xây dựng cụ thể kế hoạch, dự kiến được các môn học lựa chọn, chuyên đề học tập có bao nhiêu học sinh, bao nhiêu lớp; lên phương án, nguyên tắc xếp lớp trong kế hoạch tuyển sinh vào 10, ban hành và công bố rộng rãi cho học sinh, phụ huynh biết. Sau khi có học sinh trúng tuyển, tạm thời chia thành các lớp để tổ chức họp phụ huynh, tuyên truyền kỹ cho học sinh, phụ huynh hiểu.
“Năm học 2023 - 2024, Trường THPT Tân Sơn xây dựng 4 tổ hợp môn và các cụm chuyên đề học tập tương ứng. Khi học sinh trúng tuyển nộp hồ sơ sẽ nhận giấy đăng ký nguyện vọng môn học lựa chọn và chuyên đề học tập. Căn cứ vào điểm xét duyệt của học sinh (là trung bình cộng điểm trung bình môn cả năm học lớp 9 của các môn lựa chọn), nhà trường xét duyệt từ điểm cao đến thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu.
Trường hợp xét đến chỉ tiêu cuối cùng mà có nhiều học sinh điểm xét duyệt bằng nhau sẽ sử dụng tiêu chí phụ. Học sinh không được duyệt nguyện vọng 1 được chuyển xuống xét các nguyện vọng tiếp theo theo thứ tự ưu tiên (nếu các nguyện vọng này còn chỉ tiêu)”, thầy Hùng thông tin.
Khẳng định chủ trương của Bộ GD&ĐT là đúng, thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Sơn (Phú Thọ), cho rằng, các trường ngoài công lập và chất lượng cao có thể bố trí trong điều kiện đội ngũ và theo thỏa thuận hợp đồng. Các trường công lập có thể bố trí được nếu bảo đảm được yêu cầu về đội ngũ hoặc tổ chức dạy 2 buổi/ngày. “Trong điều kiện hiện nay, phần lớn các trường sẽ khó tổ chức được vì không đủ phòng học, đội ngũ; không có tiền trả thừa giờ cho giáo viên; khó khăn trong việc quản lý học sinh của giáo viên, đặc biệt giáo viên chủ nhiệm”, thầy Hùng nhận định.