Đất học Bát Tràng - Từ chiếc bàn xoay đến bảng vàng Tiến sĩ

Trần Hoà | 30/05/2022, 14:02
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Làng Bát Tràng không chỉ nổi danh với nghề làm gốm, mà từ xửa xưa đã được biết đến là vùng đất hiếu học với hàng chục vị đại khoa nổi tiếng đương thời.

Đình làng Bát Tràng – nơi lưu giữ dấu ấn các vị đại khoa.Đình làng Bát Tràng – nơi lưu giữ dấu ấn các vị đại khoa.

Không chỉ là làng khoa bảng tiêu biểu đất Thăng Long xưa, Bát Tràng còn ẩn chứa nhiều bí mật lẫn huyền tích phát khoa, khai Trạng. Nhưng trên hết, người ta thấy một nền văn hiến ở Bát Tràng – từ bàn tay xoay gốm cho đến cầm bút mà viết lên trang sử vẻ vang cho làng.

Bạch Thổ danh sơn


Văn chỉ có tấm bia đá không khắc chữ - điều rất khó lý giải ở Bát Tràng. 

Bát Tràng nằm ở phía Bắc kinh đô Thăng Long xưa. Đến đầu thế kỷ thứ 19, Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Năm 1948, hợp với hai làng Giang Cao và Kim Lan thành xã Quang Minh thuộc huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1965, xã Quang Minh đổi tên thành xã Bát Tràng, nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Theo các tư liệu lịch sử, Bát Tràng có tới 364 người đỗ đạt từ tam trường trở lên. Trong đó họ Nguyễn nhiều nhất với 77 người, họ Trần 64 người, họ Lê 60 người, họ Phạm 49 người, họ Vương 45 người, họ Phùng 23 người, họ Vũ 21 người, họ Hà 11 người, họ Bùi 6 người, họ Đỗ 4 người và họ Cao 2 người.

Khu đất này được hình thành từ rất xa xưa với 72 gò đất sét màu trắng, vì vậy mà người dân gọi là Bạch Thổ. Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long. Trước đó, nghề gốm tập trung ở làng Bồ Bát thuộc huyện Yên Mô, phủ Trường Yên (Yên Mô - Ninh Bình ngày nay).

Những sản phẩm đồ gốm tinh xảo đều xuất phát từ ngôi làng này. Trong làng có 5 dòng họ nổi tiếng nghề gốm là họ Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm.

Sau khi Kinh đô chuyển về Thăng Long, 5 dòng họ làm gốm làng Bồ Bát quyết định đến Thăng Long để xem xét lập nghiệp. Biết được vùng đất Bạch Thổ có các gò sét trắng có thể làm ra đồ gốm tốt, lại ở gần sông Nhị (sông Hồng) thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa, nên 5 dòng họ này quyết định dừng chân lập nghiệp.

Năm dòng họ từ làng Bồ Bát đến Bạch Thổ, cùng với họ Nguyễn Ninh Tràng ở đây tạo thành 6 dòng họ, cùng mở các lò gốm, gọi là Bạch Thổ phường, nghĩa là phường đất trắng.

Lúc này kinh đô mới còn rất thô sơ, nhiều nghệ nhân và thợ giúp vua xây dựng kinh đô khang trang hơn. Vật liệu chính xây thành Thăng Long là loại gạch Vĩnh Ninh Trường được sản xuất ngay tại Bạch Thổ phường.

Kinh thành được xây dựng xong, vua Lý Thái Tổ cảm kích các nghệ nhân ở Bạch Thổ đã trao tặng 4 chữ “Bạch Thổ danh sơn”. Thuận theo dòng thời gian, nhiều người dân di cư lần lượt đến Bạch Thổ, khiến nơi đây thêm đông đúc, trở thành trung tâm đồ gốm nổi tiếng.

Cuối thời nhà Trần, Bạch Thổ được gọi là phường Bát Đàn, sang đầu nhà Lê được gọi là Bát Tràng. Đến thời nhà Mạc và nhà Lê trung hưng, nghề gốm Bát Tràng phát triển cực thịnh, hàng hóa vận chuyển đi khắp nơi, buôn bán sầm uất vô cùng. Sách “Đại Nam nhất thống chí” chép rằng: “Chợ Bát Tràng ở gần bờ Bắc sông Nhị, thuyền buôn tụ tập, mỗi ngày họp hai buổi sáng và chiều”.

Thời kỳ này Bát Tràng không chỉ nổi tiếng làm đồ gốm, mà còn nổi tiếng về buôn cau khô và nước mắm. Thời Pháp thuộc, dù sản phẩm gốm phải cạnh tranh với nước ngoài, nhưng gốm Bát Tràng vẫn phát triển mạnh, nhiều chủ lò giàu có nổi tiếng.

Nhân kiệt Bát Tràng


Bát Tràng vẫn giữ ngày hội Thánh hiền khuyến học - khuyến tài.

Bát Tràng là làng quê trọng văn học, trọng người đỗ đạt. Bởi vậy, những người giàu có, quyền chức mà kém chữ thì không được vào hội Tư văn và không được sinh hoạt trong Văn chỉ. Thế nên làng Bát Tràng có Hào chỉ - nơi sinh hoạt của các vị không phải là quan viên Tư văn nhưng đang tham gia điều hành việc làng.

Được khắp nước biết đến nghề gốm, Bát Tràng còn nổi danh là đất học Thăng Long. Cụ Đặng Huy Chú vào năm 1867, có viết bài thơ về làng Bát Tràng: Đất thiêng người giỏi nức quê xưa/ Từ chiếc bàn xoay hưởng lộc vua/ Chất củi đun lò nên nghiệp cả/ Đất sông luyện gốm nổi cơ đồ/ Góp công ham nghĩa lời vua tặng/ Đỗ đạt cao danh phúc tổ thừa/ Này đất đáng yêu phong vị đẹp/ Đầy trời ngan ngát khí xuân đưa.

Người khai khoa cho làng Bát Tràng là Tiến sĩ Vương Thì Trung (1537- ?). Ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu (1589) làm quan dưới thời nhà Mạc đến chức Hình khoa Đô cấp sự trung.

Người thứ hai là Tiến sĩ Trần Thiện Thuật, tự là Trung Mẫn, đỗ Tiến sĩ khoa Quý Hợi (1683) đời vua Lê Hi Tông làm quan đến Hiến sát sứ. Tên của ông được lưu danh trên tấm bia đá lập ngày 2/3 năm thứ 13 niên hiệu Vĩnh Thịnh đời vua Lê Dụ Tông (1717) tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Liên đỗ khoa Bính Tuất năm thứ 2 niên hiệu Vĩnh Thịnh đời vua Lê Dụ Tông (1706). Ông làm quan tới chức Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu Thượng Bảo tự khanh. Khi mất ông được truy phong Hàn Lâm viện thị độc, lại được ban tên Hoà Hậu tiên sinh. Nguyễn Đăng Liên đỗ Tiến sĩ năm ông vừa tròn 31 tuổi.

Hai anh em ruột họ Lê là Lê Hoàn Viện đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh 11 (1715), đời vua Lê Dụ Tông, làm quan đến Thừa chính sứ Sơn Tây. Em trai ông là Lê Hoàn Hạo đỗ đầu thi Hương, đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Mùi niên hiệu Bảo Thái 8 (1727), làm quan đến Đông các Đại học sĩ. Sau khi mất được tặng Ngự sử đài Thiêm đô ngự sử, Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu.

Ngoài ra họ Lê còn có Tiến sĩ Lê Danh Hiển thi Hương đỗ Giải nguyên, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Ất Tỵ niên hiệu Cảnh Hưng (1785). Ông làm quan đến Giám sát ngự sử, Đốc đồng Thanh Hoa.

Em ruột Tiến sĩ Nguyễn Đăng Liên là Nguyễn Đăng Cẩm cũng đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất niên hiệu Vĩnh Thịnh 14 (1718) đời vua Lê Dụ Tông. Trước đó, ông đỗ khoa Sĩ vọng, được bổ là Tri huyện, sau làm quan đến chức Tế tửu Quốc Tử Giám.

Vị Tiến sĩ cuối cùng của làng Bát Tràng là Vũ Văn Tuấn (1803 – 1860) thi đỗ khoa Quý Mão (1843) đời Thiệu Trị. Ông từng làm Phó sứ sang nhà Thanh, được vua Tự Đức ban bốn chữ vàng “Cần, lao, khả, lục” và bảy bài thơ Ngự chế. Ông làm quan đến Án sát Hưng Hóa, hàm Thị giảng học sĩ. 

Lễ nghĩa làng khoa bảng


Từ bàn xoay gốm đến bảng vàng Tiến sĩ, làng Bát Tràng đã tạo nét văn hóa hiếm có của Thăng Long.

Ngoài các vị đỗ đại khoa, Bát Tràng còn có nhiều người đỗ trung khoa như hương cống, cử nhân. Trong số đó có Phạm Văn Bích, một trong “Tứ hổ Bắc Hà”: Siêu - Thiều - Bích - Quát (Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Gia Thiều, Phạm Văn Bích, Cao Bá Quát) là các học giả nổi tiếng từ cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19.

Ông cử Bích để lại nhiều văn tập và thi tập, có nhiều bài hiện nay người Bát Tràng vẫn nhớ.

Ngoài các vị tiến sĩ, Bát Tràng còn có nhiều gắn bó với Trạng nguyên Giáp Hải nổi tiếng trong sử Việt. Tuy nhiên, do một số tư liệu chứng minh Giáp Hải là người Bắc Giang nên không tính hàng đại khoa của làng Bát Tràng.

Đặc biệt, Bát Tràng cũng được biết đến là quê hương của Đông các Đại học sĩ Bùi Hối Trai và hai quận công Nguyễn Tuấn và Nguyễn Thành Trân. Nguyễn Tuấn làm quan đại phu thời Lê Hoằng Định (1600 – 1619), giữ chức Phụng sai lưu thủ Tuyên Quang, thủ hiệu Tả Trần cai cơ. Sau được vua gia ân thăng làm Đặc Tiến phụ quốc Thượng tướng quân Đô chỉ huy sứ ty.

Nguyễn Thành Trân (1641 – 1693), 12 tuổi đã vào trong cung Trịnh Tạc, giữ chức Hữu Đề điểm. Là người được đánh giá là cẩn thận và chu đáo, năm 1667 ông được tham gia đoàn sứ bộ đi sứ nhà Thanh. Khi Trịnh Tạc qua đời, chúa Trịnh Căn tin cậy giao cho ông làm tổng thái giám.

Từ bàn xoay đến bảng vàng Tiến sĩ, các nhà khoa bảng Bát Tràng không chỉ có đóng góp tích cực cho đất nước, mà còn góp phần khắc họa phong phú thêm nét văn hóa độc đáo của quê hương.

Mặc dù là làng nghề nổi tiếng, có nhiều người giàu có nhưng người Bát Tràng rất trọng tri thức. Xưa kia, trong làng dù giàu có đến mấy mà không đỗ đạt thì cũng không được tham gia hội Tư văn. Làng rất giữ lễ nghĩa, các quan đại thần khi về đến bờ đê đều bỏ võng lọng đi bộ vào làng. Ở đình làng, khi nào cũng giữ lễ nghĩa ngồi sau các bô lão.

Hiện trong đình vẫn còn lưu giữ được 8 đôi câu đối do Tiến sĩ Lê Danh Hiển và Trần Thiện Thuật bái tiến. Trong đó, có câu: Tục mỹ phong thuần thù tạc sâm thượng hoà hạ mục/ Địa linh nhân kiệt hiển dương đa thiếu quý lão toàn; hay: Đống vũ nguy nga tung tiền nhân chi chế độ/ Cung đình hiện khoát thuỳ hậu đại chi quy mô – nghĩa là: Nhà cửa nguy nga sáng tỏ mãi quy mô người trước/ Cung đình rộng rãi lưu muôn đời thiết kế người sau.

Bài liên quan
Chi Nê - Làng khoa bảng ven dòng sông Bùi
Huyện Chương Mỹ (Hà Nội) có 12 làng với 26 người đỗ đại khoa, thì riêng thôn Chi Nê, xã Trung Hòa đã có tới 11 người được ghi danh trong Văn Miếu Quốc Tử Giám.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đất học Bát Tràng - Từ chiếc bàn xoay đến bảng vàng Tiến sĩ