“Vào những năm 1980 – 1990, Singapore đầy rẫy các băng nhóm và thanh thiếu niên vô cùng bạo lực. Tôi tin rằng, cường độ học sinh bạo lực ngày nay chẳng là gì so với thời đó”, cư dân Ong Teck Chye so sánh.
Một số người còn lạc quan “đăng – phát cảnh học sinh đánh nhau hữu ích cho… giáo dục”. Nhìn vào các video này, thanh thiếu niên nhận ra nên hành xử như thế nào. Họ ý thức được, ẩu đả là hành vi xấu, tránh bắt chước theo.
Phe lo ngại thì trái lại, lo sợ đăng – phát cảnh học sinh đánh nhau gây gia tăng bạo lực. Cũng theo dữ liệu từ cảnh sát, số lượng người từ 21 tuổi trở xuống bị bắt vì gây thương tích nghiêm trọng đã tăng từ 302 trường hợp (năm 2011) lên 496 trường hợp (năm 2020). Nó chỉ ra rằng, các vụ “1 chọi 1” ở học sinh đang quá bạo lực.
Trong phạm vi trường học, tình trạng bắt nạt, đe dọa, tẩy chay gia tăng tới mức “trông thấy được”. Theo báo cáo từ Bộ Giáo dục, tỷ lệ học sinh bị bắt nạt năm 2020 là 2/1.000 học sinh tiểu học và 5/1.000 học sinh trung học. Nghiêm trọng hơn, con số này chỉ mới phản ánh được một phần bạo lực học đường, vì tính toán trên số vụ tố cáo. Tỷ lệ thực tế có thể cao hơn rất nhiều.
Trước đó, năm 2018, khảo sát của Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế chỉ ra, 26% học sinh bị bắt nạt thường xuyên.
Tỷ lệ thanh thiếu niên bạo loạn giảm, nhưng tỷ lệ thanh thiếu niên bạo lực trầm trọng lại tăng. |
Trước thực trạng bắt nạt học đường và bạo lực thanh thiếu niên gia tăng, nhiều người đổ lỗi cho trào lưu đăng – phát cảnh học sinh đánh nhau. Một số tổ chức, cá nhân còn đề xuất “nhổ cỏ tận gốc” bằng cách xóa sổ mạng xã hội hoặc ép buộc kiểm duyệt nội dung trước khi cho phép đăng.
Có 3 công ty công nghệ phát mạng xã hội ở Singapore: Twitter, TikTok và Meta. Cả 3 đều từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến đăng – phát cảnh học sinh đánh nhau.
“Trong vấn đề bạo lực học đường, cả hung thủ lẫn nạn nhân đều là các đối tượng cần được quan tâm và hỗ trợ”, nhân viên xã hội tên Wong lên tiếng. Bà khuyến cáo hạn chế chia sẻ video bạo lực, vì sự công khai và lan truyền này “có hại cho cả 2 bên”.
“Đăng – phát cảnh học sinh đánh nhau chỉ tác động tiêu cực, hoặc là khiến người trong video xấu hổ, hoặc là khiến họ vênh vang tự đắc. Kẻ vênh vang sẽ tiếp diễn hành vi xấu, còn người xấu hổ thu mình vào vỏ ốc, sức khỏe tinh thần suy giảm dần”, Wong phân tích.
Đối với đề nghị “cấm sóng” video bạo lực học đường, các nhà quan sát lo ngại có thể phản tác dụng. Tuy một mặt, nó đầy tai hại nhưng mặt khác, nó phản ánh thực trạng và cung cấp bằng chứng, cho phép xác minh kẻ bắt nạt và nạn nhân.