Tại Bắc Giang, hàng nghìn lô đất cũng được địa phương tổ chức đấu giá chia làm nhiều lượt
Tình trạng “ế ẩm” không chỉ diễn ra trong các buổi đấu giá đất tại Hà Nội, mà tại nhiều tỉnh lân cận trong các phiên đấu giá hầu như chỉ có các sàn giao dịch và nhân viên môi giới, hoàn toàn vắng bóng người dân có nhu cầu thực.
Đơn cử, tại tỉnh Bắc Giang, tại các huyện Việt Yên, Lạng Giang,... hàng chục phiên đấu giá đất đã được tổ chức đều đặn trở lại trong những ngày gần đây.
So với giá đất năm 2020, giá khởi điểm tại các cuộc đấu giá của địa phương đã được điều chỉnh giảm, dao động từ 10 - 14 triệu đồng/m2, tùy khu vực.
Mặc dù vậy, những người tham gia đấu giá đa số là người của các sàn giao dịch và môi giới chứ không có bóng dáng người mua có nhu cầu ở thực.
Anh Nguyễn Thái Hùng – một “thợ đất” tại Bắc Giang cho hay, hiện nay nguồn cung đất đấu giá khá dồi dào nhưng sức cầu lại kém. Tại các buổi đấu giá, người tham gia đấu giá chủ yếu là dân đầu tư, họ đưa ra mức giá cao, sau khi trúng thì rao bán luôn kiếm lời, nếu không bán được sẽ chấp nhận bỏ cọc.
Bóng dáng thợ đất bán "lướt sóng" sau các buổi đấu giá đất
“Mỗi lô đất sau khi trúng thầu họ tìm cách bán sang tay luôn, chênh mỏng chỉ từ 20 triệu – 70 triệu/lô. Nếu không có người mua lại, rất nhiều người sau đó bỏ cọc chứ không vào tiền” – anh Hùng thông tin.
Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cũng chia sẻ, việc thổi giá đất thông qua đấu giá để kéo giá trong khu vực không còn là điều mới. Nhiều người tham gia đấu giá chủ yếu là những người muốn đầu cơ kiếm lời, trong khi nhu cầu thực tế của người mua nhà rất ít.
Ông Điệp cũng nhấn mạnh, trong giai đoạn thị trường có thanh khoản thấp như hiện nay, việc lướt sóng để bán với giá chênh lệch rất khó, do đó, các nhà đầu tư cũng không còn tham gia nhiều như trước. Mức giá trước đây thường phải cao hơn khá nhiều so với giá khởi điểm mới trúng thầu, nhưng hiện nay, chênh lệch giá chỉ cần 5 - 10%.