Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân thường có ho, khạc đờm, khò khè, tức ngực kéo dài. Sau đó, xuất hiện khó thở, khó thở khi gắng sức, khi thay đổi thời tiết, nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên.
Giai đoạn muộn hơn bệnh nhân xuất hiện khó thở khi gắng sức nhẹ, làm việc nhẹ và tần suất bị nhiễm trùng hô hấp cũng tăng lên. Bệnh thường xảy ra ở độ tuổi từ 40 trở lên, người có tiền sử hút thuốc lá hoặc nghề nghiệp tiếp xúc khói bụi, ô nhiễm.
Không ít trường hợp bệnh nhân mắc COPD nhập viện ở giai đoạn nặng. Khi đó người bệnh đã bị tình trạng tắc nghẽn đường thở kéo dài, lượng khí hít vào trong phế nang không được đẩy ra hết. Lượng khí tích tụ này ngày càng tăng làm phế nang căng giãn, mỏng dần và dễ vỡ, gây tràn khí màng phổi nguy hiểm đến tính mạng.
Những bệnh nhân mắc COPD còn phải đối mặt với các biến chứng làm suy giảm sức khỏe, chất lượng cuộc sống, giảm tuổi thọ như bệnh lý tâm phế mạn (suy tim, loạn nhịp tim (đặc biệt là rung nhĩ), …). Hiện điều trị bệnh COPD không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát bệnh từ đó làm chậm sự phát triển bệnh, ngăn ngừa biến chứng.
Để chủ động phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bác sĩ Nguyễn Thị Quyên cho biết, COPD là bệnh thường gặp, có thể dự phòng được bằng cách: Không hút thuốc lá, tránh khói bụi, môi trường ô nhiễm; Giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh; Rèn luyện sức khỏe, tập các bài thể dục phù hợp với thể trạng, đặc biệt là các bài tập thở đúng cách, tốt cho hệ hô hấp; Tiêm phòng cúm và phế cầu ngăn ngừa đợt cấp; Đi khám sức khỏe định kỳ, trường hợp có dấu hiệu của bệnh cần đi khám ngay để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Người bệnh nên duy trì luyện tập thể dục ở mức độ trung bình từ 30-60 phút/ngày, tùy theo khả năng. Với bệnh nhân nặng có thể giảm thời gian luyện tập...
Ngoài việc luyện tập, người bệnh COPD cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn đồ loãng, nóng, thức ăn mềm dễ hấp thu. Chế độ ăn cần đủ chất dinh dưỡng và bổ sung thêm nước hoa quả, trái cây, rau xanh.
Khi bệnh tái phát hoặc diễn biến nặng thì lập tức đến cơ y tế khám và điều trị.