Đầu tư cho giáo dục: Chính sách gắn liền với ngân sách

26/06/2022, 22:40
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

GD&TĐ - Việc thực thi chi đầu tư cho giáo dục mỗi nơi một kiểu dẫn đến có địa phương chú trọng nhưng nơi khác còn gặp nhiều khó khăn. Các chuyên gia cho rằng, cần cơ chế giám sát đối với các nguồn chi cho GD-ĐT.

Theo bà Thơ, chi cho giáo dục, đào tạo là chi đầu tư. Vì thế, các chính sách cho lĩnh vực này nên được mở rộng, như chính sách nuôi dưỡng, đào tạo nhân tài, chế tạo sản phẩm theo đơn đặt hàng của Nhà nước, chính sách đổi mới sáng tạo… Các khoản chi ngân sách Nhà nước cần tập trung vào chất lượng và sản phẩm đầu ra. Hy vọng, Quốc hội sẽ giám sát chặt chẽ hơn vấn đề phân bổ ngân sách cho các lĩnh vực quan trọng này.

Đầu tư cho giáo dục: Chính sách gắn liền với ngân sách ảnh 2

Việc chi đầu tư cho giáo dục mỗi nơi một kiểu. Ảnh minh họa: TG

Cần giám sát chặt chẽ

Ông Lê Tuấn Tứ - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa - viện dẫn: Theo phản ánh của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, mức chi cho hoạt động giáo dục tối thiểu 20% so với tổng chi ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Giáo dục chưa bao giờ đạt. Năm 2021 chỉ đạt 17,3%, con số này ở giai đoạn 2016 - 2020 trong khoảng 17,4% - 18,5%. Có rất nhiều tỉnh chi cho hoạt động giảng dạy, học tập chiếm tỷ lệ rất thấp, thậm chí dưới 10%.

Ông Tứ nhìn nhận: Thực tế cho thấy, có hiện tượng chi đầu tư cho giáo dục mỗi nơi một kiểu; cá biệt có địa phương ngân sách chi đầu tư cho giáo dục nhưng lại chuyển sang chi cho hạng mục khác, khiến giáo dục đã khó khăn lại càng thiếu nguồn lực. Do đó, cần đẩy mạnh việc giám sát việc chi tiêu, tránh hiện tượng chi sai mục đích, dẫn đến dàn trải, không mang lại hiệu quả, gây lãng phí ngân sách.

Cùng với đó, các địa phương cần rà soát quy chế hoạt động, tăng cường ủy quyền, phân cấp theo đúng quy định, trên tinh thần: Việc đáng làm thì cần phải làm, nhất là trong giáo dục và đào tạo. Đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương. Điều này, không những đổi mới trong quản lý, mà còn tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các tỉnh, thành, tạo động lực để lãnh đạo địa phương xử lý các vấn đề nhanh và chất lượng hơn.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của các công tác giải ngân, ông Tứ nêu quan điểm, cần tăng cường kiểm tra thường xuyên, đột xuất tiến độ các dự án đầu tư cho giáo dục; đồng thời có chế tài mạnh mẽ đối với dự án chậm hoặc muộn. Trong bối cảnh mới, tư duy mới đòi hỏi các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần thực hiện nghiêm túc phương châm: Trách nhiệm, quyết liệt, sâu sát, kịp thời và hiệu quả; trong đó nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, thường xuyên báo cáo, tăng cường kiểm tra để kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Ông Tứ cũng kiến nghị xây dựng cơ chế giám sát hữu hiệu đối với các nguồn chi cho giáo dục và đào tạo. Cơ chế này không chỉ áp dụng riêng với nguồn chi từ ngân sách, mà cả nguồn vốn viện trợ và vốn xã hội hóa thông qua tiêu chí phù hợp.

Ở góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu – Phó Chủ nhiệm Khoa Tài chính ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho rằng, xã hội hóa giáo dục hiện nay có những mặt cần xem xét lại bởi có nội dung không cần thiết phải xã hội hóa; thậm chí gây phản tác dụng. Kinh tế học công cộng nói rằng, giáo dục là dịch vụ công có ngoại ứng tích cực nên nguyên lý là Nhà nước cần phải trợ cấp (trợ cấp Pigou) để khuyến khích sử dụng.

“Đầu tư công cho trang thiết bị trường học đối với một số ngành nghề kỹ thuật, y dược... còn khá thấp so với nhu cầu. Bằng chứng là khi cho phép các trường tự chủ kinh phí và được ban hành các chương trình đào tạo theo định mức kinh tế kỹ thuật thì học phí tăng rất cao mới có thể bù đắp chi phí đào tạo. Trong khi đó định mức chi tiêu hiện nay có xu hướng cào bằng. Vì vậy, cần phải thay đổi cách thức phân bổ kinh phí cho các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề sát với thực tế hơn” - PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu nêu ý kiến, đồng thời nhấn mạnh: Trong khâu quản lý cần chặt chẽ hơn. Thời gian qua ghi nhận nhiều vụ thất thoát, lãng phí trong khâu đấu thầu thiết bị trường học, đó là một kẽ hở lớn về quản lý, công khai, minh bạch, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Thực tế, nếu cộng tất cả nguồn vào thì cũng đủ 20% chi cho giáo dục. Trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước, mọi ngành, mọi nhà cần chia sẻ để cùng nhau vượt qua, từng bước ổn định và phát triển. - Bà Tăng Thị Ngọc Mai

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/dau-tu-cho-giao-duc-chinh-sach-gan-lien-voi-ngan-sach-post598452.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/dau-tu-cho-giao-duc-chinh-sach-gan-lien-voi-ngan-sach-post598452.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu tư cho giáo dục: Chính sách gắn liền với ngân sách