Trong bối cảnh ngân sách giáo dục đại học còn tương đối thấp so với các nước trên thế giới, TS Trịnh Hữu Tuấn cho rằng, hợp tác công tư trong lĩnh vực giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng trong xã hội hóa giáo dục, huy động nguồn lực của cộng đồng, người dân và doanh nghiệp để thúc đẩy sự phát triển giáo dục đại học.
TS Trịnh Hữu Tuấn viện dẫn, từ năm 1994, Đảng và Nhà nước đã khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào giáo dục đại học với sự ra đời của Trường ĐH Đông Đô. Tuy nhiên, khác với các nước phát triển: Anh, Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, các trường tư thục được bình đẳng tiếp cận hỗ trợ ngân sách Nhà nước như các trường công lập, còn ở Việt Nam các trường tư thục phải tự chủ hoàn toàn kinh phí và không có khả năng tiếp cận với hỗ trợ của Nhà nước.
“Trong thời gian tới, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về đất đai, đào tạo giảng viên, đổi mới chương trình đào tạo, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp để phát huy tối đa nguồn lực của ngân sách Nhà nước trên cơ sở huy động nguồn lực của người dân, cộng đồng và doanh nghiệp cùng chung tay phát triển sự nghiệp giáo dục đại học ở Việt Nam”, TS Trịnh Hữu Tuấn bày tỏ.
Thực tế cho thấy, giáo dục đại học còn làm cầu nối giữa đào tạo với thực tiễn, hàn lâm với thực hành, khoa học với ứng dụng, người lao động và thị trường việc làm và sinh viên với doanh nghiệp. Từ những vấn đề nêu trên, theo Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Đông Đô, cần tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học để xứng đáng với tiềm năng, lợi thế và kỳ vọng của xã hội.
Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong giờ học thể chất. Ảnh: NTCC |
Ở góc nhìn khác, GS.TSKH Đặng Ứng Vận, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ chỉ ra, cần cải tiến cơ chế, nên chuyển cấp phát theo đơn, danh mục cấp trọn gói, tạo điều kiện để các trường công được tự chủ. Nếu chia theo từng bộ phận sẽ hạn chế các hoạt động về mặt tài chính của các trường. Điều quan trọng nhất vẫn là cơ chế để các trường có thể huy động được nguồn lực từ xã hội. Phải huy động nguồn lực của các doanh nghiệp đầu tư vào đào tạo. Nói cách khác là sử dụng nguồn lực của các doanh nghiệp để đào tạo ra nguồn nhân lực theo nhu cầu của các doanh nghiệp theo hướng phi lợi nhuận.
Còn theo GS.TS Phạm Thành Huy - Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa, ngay từ mục tiêu ban đầu, mỗi trường đã có kế hoạch cụ thể để đảm bảo có nguồn thu vận hành. Đơn cử như Trường ĐH Phenikaa, mặc dù mục tiêu dài hạn là phát triển thành trường đại học không vì lợi nhuận; tức là không lấy mục tiêu kinh doanh làm đầu song nhà trường cũng có lộ trình chặt chẽ.
Theo đó, trong chiến lược của nhà trường, việc cần làm là đa dạng hóa các nguồn thu. Như vậy, nguồn thu của nhà trường giờ đây không chỉ còn bài toán từ học phí mà phải thêm nguồn thu khác như: Tài trợ, hỗ trợ từ doanh nghiệp; hoạt động đổi mới sáng tạo; nghiên cứu phát triển khoa học ứng dụng… để đưa vào cuộc sống.
GS.TS Phạm Thành Huy cho hay, trong chiến lược phát triển, Trường ĐH Phenikaa đặt mục tiêu trở thành trường đại học theo định hướng đổi mới sáng tạo. Khi đó, trường đại học không chỉ là đơn vị trung gian để tạo ra những giá trị cho cộng đồng mà còn tạo ra các giá trị mới cho cộng đồng thông qua sự hình thành, phát triển công nghệ…
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ là đột phá chất lượng, mà nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ là sứ mệnh của giáo dục đại học. Bộ GD&ĐT đã đưa vào đề xuất dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2045 mức chi cho giáo dục đại học từng bước bằng mức trung bình của khu vực về tỉ lệ GDP.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng, muốn nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước phải minh bạch hóa. Minh bạch tất cả khoản thu, chi của các cơ sở đại học trực thuộc các bộ ngành, địa phương thì mới tính được chi sao cho hiệu quả. Trên cơ sở đó Nhà nước thực hiện theo Luật.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ trực tiếp người học chuyển từ chi thường xuyên sang trực tiếp, đặt hàng và giao nhiệm vụ. Việc này cần mở rộng đối tượng, với cơ chế ưu đãi hơn. Đây là chính sách hiệu quả. Việc đầu tư đặt hàng phải theo cơ chế cạnh tranh, tập trung những ngành, trường tạo sức mạnh lan tỏa.
Đây là vấn đề đã được quy định trong Luật, quan trọng là triển khai thế nào cho hiệu quả. Tuy vậy, nếu được ghi vào văn bản cụ thể mức chi bao nhiêu % hàng năm thì có căn cứ, lộ trình tăng ngang bằng các nước trong khu vực từ nay đến 2030, sẽ là thuận lợi cho các bộ, ngành.
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Bộ GD&ĐT rất quan tâm đến kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ, vì hiện nay lực lượng nghiên cứu nằm trong các cơ sở giáo dục đại học chủ yếu. Vấn đề là làm sao để kinh phí ấy bớt trung gian khi đưa về các trường. Lúc đó những trường có thế mạnh sẽ có nguồn lực phát triển nhanh hơn.
Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho rằng, ngân sách, kinh phí đầu tư cho giáo dục đại học còn thấp và cần nâng cao hơn nữa. Để làm được điều này, cần cả Nhà nước, cộng đồng và hành lang pháp lý, cơ chế để giúp nhà trường huy động các nguồn lực khác nhau. Đồng thời, nhà trường có thể chủ động trong việc tạo ra những giá trị để tham gia trực tiếp vào các chuỗi giá trị toàn cầu.