Đơn cử, trong việc đào tạo các ngành khoa học cơ bản đang thiếu sự đầu tư cần thiết. Theo Nghị định 81/2021/ND-CP, sinh viên được miễn học phí nếu theo học các chuyên ngành Triết học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và một số ngành, nghề chuyên môn đặc thù.
Tuy nhiên, những ngành khoa học cơ bản như: Lịch sử, Địa lý, Dân tộc học, Hải dương học, Địa chất không thuộc diện miễn học phí. Điều này gây khó khăn cho việc tuyển sinh, đào tạo các ngành khoa học cơ bản bởi những ngành này “kén” người học.
“Khoa học cơ bản là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Nếu chúng ta không có sự đầu tư mạnh mẽ vào các ngành học này, nền tảng sẽ bị lung lay”, bà Ngô Thị Phương Lan nói.
Các trường thuộc khối kỹ thuật - công nghệ cũng không nằm ngoài những khó khăn trên. PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết, đang xảy ra những bất cập trong cơ cấu các ngành học khi xu thế của người học là chạy theo những ngành “hot”, mang tính phong trào, trong khi ngành cần thiết cho xã hội và đất nước thì không nhiều. Do đó, ông Mai Thanh Phong đề nghị, cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho các ngành học cần thiết này.
Tân sinh viên nhập học tại Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh. Ảnh: BUH |
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 - 2024 khối giáo dục đại học, do Bộ GD&ĐT tổ chức cuối tháng 8/2023, PGS.TS Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng nhắc tới cơ chế tài chính cho giáo dục với chia sẻ: “Không có đầu tư thích đáng không thể nâng cao chất lượng đào tạo. Không có nguồn lực thì làm việc sẽ chỉ theo kiểu mở rộng mà không thể đào sâu”.
Nhiều chuyên gia cũng đồng quan điểm trên khi cho rằng, tăng đầu tư của Nhà nước cho giáo dục đại học là giải pháp quan trọng nhất trong bài toán tự chủ đại học.
Theo TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, ngân sách chi cho giáo dục đại học hằng năm ở Việt Nam chiếm 0,27% GDP là tương đối thấp. Trong khi đó, ở các nước khác, tỷ lệ này là 1 - 1,5%. Do đó, chuyên gia này đề xuất, Nhà nước cần điều chỉnh lại phân bổ ngân sách giáo dục theo hướng tăng hợp lý tỷ lệ ngân sách chi cho giáo dục đại học.
Ngoài ra, cần tạo cơ chế, chính sách để các trường đại học tìm kiếm nguồn tài chính khác ngoài ngân sách và học phí để giảm áp lực cho người học. Các nguồn tài chính đó có thể đến từ nhà tài trợ, mạnh thường quân hoặc những hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và sản xuất, dịch vụ.
Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân đề xuất tăng đầu tư của Nhà nước cho giáo dục đại học để tự chủ đại học bền vững. Theo ông, bên cạnh nguồn đầu tư chiều sâu cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cần quan tâm đầu tư trực tiếp cho con người thông qua các đề tài, dự án. Bởi thực tế, các phòng thí nghiệm chỉ hoạt động hiệu quả khi được vận hành bởi những nhà khoa học giỏi.
Nhà nước cần có lộ trình điều tiết ngân sách đối với các trường đại học tự chủ theo hướng chỉ dừng cấp ngân sách chi thường xuyên sau khi trường đại học đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo (4 - 5 năm). Trong trường hợp chưa tăng học phí, Nhà nước nên cấp bù phần ngân sách. “Cần sớm hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác hình thức đối tác công - tư PPP, nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ, thúc đẩy văn hóa hiến tặng”, ông Vũ Hải Quân nói.
Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có cơ chế đặt hàng đào tạo. Những ngành đề xuất được đặt hàng đào tạo gồm các nhóm ngành: Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Văn hóa, nghệ thuật và một số lĩnh vực khác như Nông, Lâm nghiệp, Địa chất, Hải dương học…
PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cũng đồng quan điểm khi cho rằng, cần có cơ chế để các trường đại học có thêm kinh phí ngoài đầu tư của Nhà nước và đóng góp từ người học.
Ông Mai Thanh Phong nêu ví dụ, có thể khai thác tài sản công như nhà cửa, đất đai và tài sản trí tuệ. Hiện nay, việc này khó thực hiện do có nhiều quy định liên quan ràng buộc và phức tạp. “Nên chăng với lĩnh vực giáo dục hoặc y tế, cần có những cơ chế đặc thù hơn để cơ sở giáo dục đại học có thể sử dụng tài sản hợp pháp, hợp lý để có thêm kinh phí?”, ông Mai Thanh Phong đề xuất.
Lãnh đạo một số trường đại học khác cũng cho rằng, cần có cơ chế tăng nguồn thu từ hoạt động chuyển giao khoa học, công nghệ và dịch vụ của cơ sở giáo dục đại học. Trên thực tế, doanh thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học của các trường hầu như không đáng kể, gây ra sự lãng phí nguồn lực là chất xám rất lớn. Ngoài ra, bản thân các trường đại học cũng cần tự vận động bằng việc kết nối với doanh nghiệp, cựu sinh viên, tổ chức xã hội, xây dựng các quỹ học bổng, khởi nghiệp.
Tại buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với hai Đại học Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị Chính phủ cân nhắc, xem xét cơ chế về nguồn thu cho cơ sở giáo dục đại học. Với khối Đại học Quốc gia, để nguồn thu từ nghiên cứu, tài sản tăng lên, chính phủ có thể tăng đặt hàng nghiên cứu quốc gia, cũng như cho các trường được phép kinh doanh một số tài sản của mình.