Dạy Lịch sử sao cho cuốn hút học trò?

11/12/2023, 07:41
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Để thu hút học sinh khi học Lịch sử trong trường phổ thông hiện nay, thầy cô phải có nhiều đổi mới, sáng tạo ngay từ khâu xây dựng bài giảng.

Thầy cô trước hết phải yêu lịch sử

Cô Nguyễn Thị Tươi đang công tác tại Trường THCS An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) là một trong các thầy cô đạt giải Ba cuộc thi giáo viên dạy giỏi thành phố cấp THCS phân môn Lịch sử của môn Lịch sử - Địa lý. Trong quá trình công tác, cô Tươi luôn chủ động tìm giải pháp để nâng cao chất lượng bài giảng mỗi ngày.

Ở Chương trình GDPT 2018, việc giảng dạy phân môn Lịch sử cần theo hướng tăng cường hoạt động cho học sinh.

Thầy cô phải xác định được mục tiêu bài học phù hợp với chuẩn kiến thức, kỹ năng. Đồng thời áp dụng một số phương pháp dạy học tích cực như thảo luận nhóm, hỏi - đáp, đóng vai, chơi trò chơi... Điều này sẽ giúp các em phát huy tính chủ động, tự giác học tập để giờ học thực sự hấp dẫn, sinh động, lôi cuốn học sinh.

Cô Tươi thường xuyên tìm tòi và áp dụng các phương pháp mới để tăng hứng thú học Lịch sử cho học trò.
Cô Tươi thường xuyên tìm tòi và áp dụng các phương pháp mới để tăng hứng thú học Lịch sử cho học trò.

Theo cô Tươi, giáo viên có thể lựa chọn, sử dụng các phương tiện phục vụ cho việc dạy Lịch sử như tranh ảnh, sơ đồ, câu hát, câu thơ, câu chuyện về nhân vật lịch sử có liên quan đến bài học để dẫn dắt học sinh vào bài giảng một cách tự nhiên nhất.

"Ví dụ, bài về 'Kinh tế của nước Đại Việt từ thế kỷ 16 - 18, sau khi lên kế hoạch về kiến thức và phương pháp, tôi đã cho học sinh đóng vai 3 nhân vật: Táo Nông nghiệp, Táo Thương nghiệp và Táo Thủ công nghiệp nói lên những đặc điểm về kinh tế nước ta trong giai đoạn lịch sử này. Học sinh cảm thấy vô cùng hứng thú với hình thức mới lạ này và tương tác rất tốt với cô", cô Tươi nói.

Cô Nguyễn Thị Tươi (thứ 5 từ phải sang) đã đạt giải Ba thi giáo viên giỏi thành phố cấp THCS môn Lịch sử - Địa lý.
Cô Nguyễn Thị Tươi (thứ 5 từ phải sang) đã đạt giải Ba thi giáo viên giỏi thành phố cấp THCS môn Lịch sử - Địa lý.

Cô Nguyễn Thị Tươi cũng cho biết, Lịch sử trước nay vẫn là môn "kén" người học, đa số các em sợ phải học thuộc lòng và nhớ nhiều con số, mốc sự kiện theo thời gian nên chưa nhận thức được đúng vị thế của môn học này. Do đó, bản thân mỗi giáo viên trước hết phải thực sự yêu Lịch sử thì mới lan tỏa được tới học sinh.

Giáo viên cho học sinh tiếp cận với góc cạnh khác của môn Lịch sử như kỹ năng hiểu biết bên ngoài nhưng gắn với từng cá nhân; hoặc đem câu chuyện lịch sử gắn với thực tế của các em, biến câu chuyện của quốc gia thành câu chuyện của cá nhân. Ta cần có định hướng hoạt động làm sao cho hấp dẫn để nâng cao tình yêu và hứng thú của học sinh, kể cả trả lời sai vẫn được động viên.

Ứng dụng nhiều phương pháp mới

Thầy Bùi Anh Tuấn trong một giờ học Lịch sử trên lớp.
Thầy Bùi Anh Tuấn trong một giờ học Lịch sử trên lớp.

Cùng quan điểm trên, thầy Bùi Anh Tuấn, giáo viên Trường THCS Phú Cường (Sóc Sơn, Hà Nội) cho rằng, để dạy tốt phân môn Lịch sử trong môn Lịch sử - Địa lý theo chương trình mới, giáo viên cần ứng dụng phương pháp mới cũng như các kỹ thuật dạy học giúp học sinh khai thác thông tin kiến thức, phát huy năng lực học tập của các em.

Một trong những phương pháp có thể sử dụng chính là vẽ sơ đồ tư duy lịch sử, xâu chuỗi các sự kiện với nhau đảm bảo tính thống nhất, logic theo trình tự thời gian. Giáo viên hướng dẫn học sinh vẽ sơ đồ tia của các giai đoạn, sự kiện, diễn biến, kết quả, ý nghĩa của sự kiện đó để có thể nhớ kiến thức một cách khái quát nhất.

Tại hội thi giáo viên giỏi thành phố cấp THCS năm nay, huyện Sóc Sơn có 3 giải Nhì, 2 giải Ba và 1 giải Khuyến khích.
Tại hội thi giáo viên giỏi thành phố cấp THCS năm nay, huyện Sóc Sơn có 3 giải Nhì, 2 giải Ba và 1 giải Khuyến khích.

"Học lịch sử không đơn thuần là sự ghi nhớ, còn là tư duy, để giải thích các sự kiện tại sao lại diễn ra như thế. Mỗi sự kiện lịch sử có ý nghĩa gì, tác động ra sao đối với tương lai. Giáo viên nên xây dựng ngân hàng đề luôn tạo nên sự bất ngờ hứng thú, ham tìm hiểu trong mỗi câu hỏi, mỗi giờ kiểm tra. Sử dụng đa dạng phương pháp trong một buổi học tạo nên sự thoải mái trong học tập của học sinh", thầy Tuấn trao đổi.

Thầy Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường THCS Phú Cường chia sẻ, thầy Bùi Anh Tuấn là một giáo viên trẻ năng động, nhiệt tình và có nhiều sáng tạo. Thầy Tuấn cũng đã xuất sắc đạt giải Nhì hội thi giáo viên giỏi thành phố cấp THCS phân môn Lịch sử, môn Lịch sử - Địa lý. Những kinh nghiệm giảng dạy hay cũng được chia sẻ rộng rãi tới các đồng nghiệp trong tổ bộ môn để cùng áp dụng.

Cô Nguyễn Thị Huyền – Hiệu trưởng Trường THCS An Khánh nhấn mạnh, trường luôn chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ; tăng cường dự giờ thăm lớp để cùng đồng nghiệp rút kinh nghiệm sau các giờ dạy của giáo viên, trong đó có môn Lịch sử - Địa lý. Ngoài ra, nhà trường có cô Hoàng Thúy Hoa dù lần đầu tham dự nhưng đã giành giải Nhì thi giáo viên giỏi môn Ngữ văn cấp thành phố.

Bài liên quan
Nhân vật đào tẩu mang theo nhiều bí mật gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử KGB
Một kế hoạch đào tẩu đầy mạo hiểm đã đưa cả gia đình của một trong những kẻ phản bội gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử KGB chạy sang Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dạy Lịch sử sao cho cuốn hút học trò?