Dạy thêm - học thêm: Biến tướng từ đâu?

18/12/2023, 10:54
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Là nhu cầu có thật đến từ ba phía phụ huynh, HS và GV, nhưng do thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, hoạt động dạy thêm - học thêm trở nên biến tướng.

Thầy Huỳnh Thanh Phú đồng tình quan điểm trên khi cho rằng, đồng lương giáo viên chưa thể cải thiện, dạy thêm sẽ giúp họ có thêm nguồn thu để trang trải cuộc sống. Do đó, nếu tạo cơ hội cho giáo viên kiếm thu nhập chính đáng từ việc dạy thêm sẽ hạn chế được việc lách luật, dạy học lén lút và các hệ lụy đi cùng.

Tuy nhiên, theo quy định, giáo viên phải đến trung tâm dạy thêm được cấp phép trong khi ở hầu hết địa phương số lượng trung tâm này ít so với nhu cầu thực tế. Do đó, nhiều giáo viên bất chấp quy định, dạy thêm “chui”, tổ chức lớp dạy học tại nhà, dạy cho chính học sinh trên lớp…

Một trung tâm dạy thêm - học thêm tại quận Tân Phú, TPHCM. Ảnh: Lê Nam
Một trung tâm dạy thêm - học thêm tại quận Tân Phú, TPHCM. Ảnh: Lê Nam

Thiếu hành lang pháp lý

Ngày 16/5/2012, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm - học thêm. Việc ban hành Thông tư 17 ở thời điểm năm 2012 dựa trên cơ sở pháp lý là dịch vụ tổ chức dạy thêm - học thêm được đưa vào danh mục trong Luật Đầu tư là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chính vì vậy, Thông tư 17 mới có cơ sở để quy định điều kiện về tổ chức dạy thêm học thêm.

Tuy nhiên, sau này, Luật Đầu tư được sửa đổi, bổ sung đã đưa dạy thêm - học thêm ra khỏi danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, năm 2019, Bộ GD&ĐT ban hành công bố 8 điều trong Thông tư 17 hết hiệu lực, gồm các quy định về tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường; yêu cầu với người tổ chức, cơ sở vật chất dạy thêm và những thủ tục, thẩm quyền cấp phép hoạt động này. Đồng thời, Bộ đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra chiều 6/12, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã chia sẻ về đề xuất đưa dạy thêm và học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Thứ trưởng đánh giá, việc đưa hoạt động dạy thêm - học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh dịch vụ có điều kiện là cần thiết để cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương có thể quản lý tốt. Điều này góp phần đảm bảo về chất lượng, quyền lợi người học.

“Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện thông tư về quản lý hoạt động dạy thêm - học thêm sau đó sẽ ban hành. Từ đó sẽ quản lý được về trách nhiệm của thầy cô được dạy thêm trong trường hợp nào, dạy đối tượng nào”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thông tin.

TS Hoàng Ngọc Vinh ủng hộ đề xuất trên và nhận định, việc thiếu hành lang pháp lý rõ ràng cho dạy thêm - học thêm chính là nguyên nhân dẫn đến biến tướng của hoạt động này. Theo ông, với những phân tích ở trên, có thể thấy, hoạt động dạy thêm - học thêm không thể cấm mà chỉ có thể tìm cách quản lý chặt chẽ. Ngoài giáo viên đang làm việc tại các trường học, nhiều người cũng có nhu cầu dạy thêm như giáo viên về hưu, sinh viên sư phạm chưa tìm được việc làm, sinh viên ngành khác… nên cần quy định cụ thể để ai có nhu cầu đều có thể tham gia khi đủ điều kiện.

Khi đưa dạy thêm - học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh dịch vụ có điều kiện, Nhà nước mới có thể quy định các điều kiện mà chủ thể kinh doanh dịch vụ này phải đáp ứng và duy trì trong suốt quá trình hoạt động. Từ đó, giáo viên có nhu cầu dạy thêm, thay vì dạy “chui” sẽ có thể đăng ký kinh doanh dịch vụ, cố gắng thực hiện tốt các điều kiện theo quy định; cơ quan quản lý cũng có cơ sở giám sát, kiểm tra.

“Đừng cho rằng việc đưa vào danh mục này là thương mại hóa giáo dục, mà phải xem đây là một loại hình cung cấp dịch vụ đặc biệt, có điều kiện”, TS Hoàng Ngọc Vinh giải thích. Đi cùng với quy định của Nhà nước, các địa phương cần tổ chức lại nhân sự quản lý tốt hoạt động dạy thêm - học thêm.

Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM công bố đề tài “Dạy thêm - học thêm ở TPHCM: Thực trạng - nhu cầu - giải pháp”, thực hiện năm 2018. Trong báo cáo đề tài, một số thông tin về thu nhập trung bình hằng tháng từ việc dạy thêm của giáo viên. Theo đó, mức thu nhập lớn nhất là 20 triệu đồng và thấp nhất là 300 nghìn đồng.

Giáo viên THPT có thu nhập cao hơn giáo viên THCS, đặc biệt giáo viên có thâm niên từ 10 - 15 năm, có chuyên môn dạy các môn Toán, Lý, Hóa, Anh văn, Văn có thu nhập cao nhất và là đối tượng có xu hướng dạy thêm tại nhà riêng nhiều hơn. Tính theo tổng thu nhập trung bình một tháng đối với giáo viên có dạy thêm, nguồn thu từ lương, dạy thêm và các khoản khác thấp nhất là khoảng 7,5 triệu đồng/tháng và cao nhất từ 25 triệu đồng trở lên.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/day-them-hoc-them-bien-tuong-tu-dau-post665005.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/day-them-hoc-them-bien-tuong-tu-dau-post665005.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dạy thêm - học thêm: Biến tướng từ đâu?