Học sinh Ba Vì, Hà Nội tham gia học thêm miễn phí tại nhà văn hóa thôn Đoài. Ảnh: Ngô Chuyên |
Cô Nguyễn Thị Hòa đánh giá, nhu cầu học thêm từ học sinh, phụ huynh khá lớn, vì vậy, một bộ phận giáo viên nhân cơ hội này biến dạy thêm thành dịch vụ kinh doanh, chạy đua theo số lượng, đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu dẫn đến chất lượng lớp học không đảm bảo; chưa kể một số tiêu cực khác làm mất lòng tin của phụ huynh và xã hội.
“Nhiều phụ huynh khi con chuẩn bị thi học kỳ đến nhờ tôi dạy kèm. Tuy nhiên, quan điểm của tôi khi tới lớp dạy thêm không chỉ dạy kiến thức, mà còn tăng cường các kỹ năng, chia sẻ với học trò… tạo môi trường thoải mái để các em học tập, phát triển sở trường, gia cố kiến thức. Do đó, tôi không quá tham số lượng để giảm chất lượng của lớp học”, cô Hòa nhấn mạnh.
Tại Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn, học sinh đa số là người dân tộc thiểu số, vì vậy không có điều kiện đi học thêm tại các trung tâm, lò luyện thi. Do đó, nhà trường đã vận động giáo viên dạy thêm miễn phí cho các em ngay tại trường vào buổi tối, thời gian 1,5 – 2 giờ/buổi. Lúc này, các thầy cô sẽ ôn lại phần kiến thức khó trên lớp do giới hạn thời gian chưa kịp “đào sâu”. Cùng đó, đưa ra bài tập ứng dụng để học sinh nào chưa hiểu thì thầy cô giảng lại. Việc hỗ trợ, củng cố kiến thức đặc biệt ưu tiên với học sinh lớp 12.
Cô Vương Xuân Thuận – Hiệu trưởng nhà trường cho biết “Nhu cầu học thêm củng cố kiến thức, cải thiện điểm cho các kỳ thi quan trọng như tốt nghiệp THPT hay thi cuối kỳ là có. Nhà trường nắm được nhu cầu và hiểu các em còn khó khăn trên nhiều phương diện nên chủ động vận động giáo viên dạy thêm trên tinh thần tự nguyện, không thu phí. Các buổi học thêm, chúng tôi phân loại năng lực học sinh để giáo viên đưa ra bài giảng, chương trình học phù hợp, giúp các em theo kịp chương trình, tạo động lực học tập…”.
Nhằm đáp ứng nhu cầu học thêm (phụ đạo và bồi dưỡng) của học sinh, Trường THCS – THPT Phenikaa (Hà Nội) tổ chức giảng dạy ngay tại trường. Các lớp học dưới sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn giúp học sinh củng cố kiến thức, tạo môi trường học tập thuận lợi và linh hoạt.
Dù học ngoài giờ nhưng trường phân loại dựa trên năng lực và điều chỉnh phương pháp cho từng nhóm (giỏi, yếu, trung bình). Việc đưa ra bài giảng cũng tùy thuộc vào năng lực, lắng nghe ý kiến học sinh về nhu cầu học tập làm tăng tính thực tế và hiệu quả quá trình giảng dạy. - Cô Đoàn Thu Hà (Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Phenikaa)