Theo ý kiến của nhiều lao động trong ngành CNTT, khó khăn lớn nhất trong nghề là việc phải liên tục cập nhật trình độ, kiến thức. Hoặc nhận việc lẻ bên ngoài, thì thời gian làm việc thường trái ngược với người bình thường. Có thể họ sẽ nhận việc vào ban đêm còn ban ngày chỉ để ngủ, cũng có thể họ sẽ tăng ca, cả ngày chỉ ngồi trước màn hình máy tính.
Tuấn Kiệt, 30 tuổi, hiện là trưởng phòng CNTT của một công ty quản lý dữ liệu nhìn nhận, sự phát triển của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), máy học, điện toán đám mây, thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường… cùng với xu hướng đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, kinh tế số, xã hội số… đã tác động rất mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực của đời sống.
Điều này cho thấy tiềm năng của ngành IT trong tương lai và đòi hỏi các nhân sự phải liên tục học hỏi, trau dồi như khả năng thích ứng nhanh, các kỹ năng mềm về giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy logic và phân tích, tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề, kỹ năng ngoại ngữ… Nếu làm được, đó sẽ là cơ hội để bản thân phát triển và thăng tiến trong công việc.
Ông Bảo Hùng, chuyên gia trong lĩnh vực CNTT nhìn nhận, những nhân sự có khả năng tự cập nhật kiến thức và kỹ năng, sẵn sàng thích nghi với những thay đổi, có tư duy đổi mới sẽ luôn tìm thấy cơ hội phát triển. Mỗi lần cập nhật kỹ năng hoặc học hỏi công nghệ mới, không chỉ tránh được nguy cơ bị đào thải, mà còn tự nâng cao trình độ chuyên môn của bản thân. Đặc biệt, với việc liên tục học hỏi và thích nghi, sẽ mở rộng được cơ hội nghề nghiệp của mình, có thể tiếp cận với các vị trí công việc cao cấp hơn và thú vị hơn.
“Nếu có thể vượt qua những thách thức của ngành IT đặt ra thì cơ hội để phát triển trong tương lai sẽ không thiếu. Những yêu cầu mà ngành đặt ra sẽ là thách thức nhưng đồng thời cũng là động lực để mình có thể cố gắng, thay đổi liên tục và hoàn thiện bản thân”, ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Trương Lĩnh Nam, Giám đốc Công ty TNHH Mediastep chia sẻ, đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển công nghệ là xu hướng chung của nhiều doanh nghiệp. Điều này tạo thách thức lớn cho những doanh nghiệp cung ứng phần mềm, dịch vụ khi phải luôn cố gắng nâng cấp, cải tiến sản phẩm để phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
“Nếu không chấp nhận nâng cao, đổi mới sản phẩm thì chúng tôi sẽ bị lạc hậu, mất đi vị thế trên thị trường. Điều này đòi hỏi nguồn nhân lực của chúng tôi phải thực sự giỏi, sáng tạo, luôn phải học tập và tiếp thu sự thay đổi. Chúng tôi chấp nhận trả lương cao cho những người làm tốt và đương nhiên sẽ sa thải những người không đáp ứng yêu cầu, điều này vừa để phát triển, cũng là sự sống còn của doanh nghiệp”, ông Nam cho hay.