Để học sinh được ‘bình thường hóa’ với internet và mạng xã hội ở trường học

26/10/2023, 19:40
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

TS. Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Báo chí và Truyền thông trả lời phỏng vấn báo GD&TĐ xung quanh việc HS sử dụng internet và MXH ở trường học.

PV: Internet và mạng xã hội ngày một phổ biến, nhất là đối với công chúng trẻ tuổi. Theo Viện trưởng, với giới trẻ, việc sử dụng mạng xã hội đem đến những lợi ích thiết thực nào?

TS. Phan Văn Kiền: Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đang trở thành “một phần tất yếu” của cuộc sống hiện đại. Sự xuất hiện của các dạng không gian mới này đã bổ sung rất nhiều tiện ích cho đời sống con người. Chúng ta có thể thấy, nếu không có các nền tảng trực tuyến như mạng xã hội, đời sống của con người sẽ khó khăn gấp bội trong đại dịch Covid19 vừa qua.

TS. Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Báo chí và Truyền thông. ảnh 1
TS. Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Báo chí và Truyền thông.

Với giới trẻ, thế hệ công chúng được sinh ra và trưởng thành song hành cùng với internet và mạng xã hội thì sự gắn kết này lại càng rõ rệt. Mạng xã hội đưa lại rất nhiều tiện ích về mọi mặt của đời sống con người. Từ nhu cầu vật chất đến nhu cầu tinh thần, từ học tập đến kiếm tiền, từ kết nối các mối quan hệ đến chia sẻ thông tin, tri thức, cảm xúc…

Từ khi trí tuệ nhân tạo và internet vạn vật được ứng dụng rộng rãi vào đời sống, trở thành cuộc cách mạng khoa học công nghệ mới thì các dạng không gian trên internet như mạng xã hội lại càng trở thành không gian sống quan trọng của con người. Dù đó là không gian ảo như nhiều người quan niệm, nhưng những tác động và giá trị của nó đem lại cho đời sống là rất thật.

PV:Bên cạnh những mặt tích cực thì mạng xã hội cũng có những mặt trái gây ra những hậu quả đáng tiếc. Có ý kiến cho rằng cấm sử dụng internet và mạng xã hội chính là giải pháp để hạn chế những mặt trái của mạng xã hội. Quan điểm của Viện trưởng như thế nào về vấn đề này?

TS. Phan Văn Kiền: Cũng như không gian thực tế của đời sống, tôi nghĩ, chúng ta sẽ không bao giờ loại bỏ hết các hiện tượng tiêu cực hay các nguy cơ tiềm ẩn trên không gian internet và mạng xã hội.

Chúng ta đã nghe các nhà nghiên cứu nói rất nhiều về các hiện tượng tiêu cực trên không gian internet như tin giả, xâm phạm thông tin đời tư, bắt nạt trên mạng, thậm chí lừa đảo trên không gian internet… Hoặc thời gian gần đây rộ lên xu hướng lạm dụng mạng xã hội vào việc livetream bán hàng với nhiều hành vi phản cảm… Tất cả các hiện tượng tiêu cực đó là tính hai mặt tất yếu của đời sống, không chỉ là đời sống mạng.

Có hai nguyên nhân chính dẫn tới các hiện tượng tiêu cực này: Nguyên nhân thứ nhất là đặc tính tò mò của công chúng trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Bên cạnh các thông tin hữu ích liên quan tới nhu cầu hoặc nghĩa vụ của mình thì công chúng luôn thích thú khi theo dõi những thông tin có tính chất ngược chiều hoặc kích thích trí tò mò. Đây là căn nguyên dẫn tới việc lạm dụng các thông tin tiêu cực, gây sốc trên báo chí những năm gần đây và các dạng livestream phản cảm trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay.

Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ đặc tính riêng tư của không gian internet. Khi tham gia vào một cộng đồng, một hoạt động tập thể, công chúng chỉ xuất hiện dưới dạng một tên ảo (nickname) và một hình đại diện (avatar) và nhiều khi tên cũng như hình đại diện không thật.

Điều này khiến cho sự chế định về ý thức xã hội của người tham gia trong cộng đồng bị giảm đáng kể so với các sinh hoạt trong không gian thực, khi công chúng phải mặt đối mặt với nhau trong thực tế. Chính tính chất ảo này đã làm gia tăng các tương tác “bẩn” trên không gian internet cũng như công chúng có thể vô tư ủng hộ các hoạt động tiêu cực như đã nói ở trên.

Tôi không nghĩ rằng các hiện tượng tiêu cực trên mạng xã hội nói riêng và internet nói chung là là sự suy đồi về mặt đạo đức để dẫn tới việc phải cấm các nền tảng này. Bởi bên cạnh các hành vi phản cảm, lố lăng thì mạng xã hội có rất nhiều các hoạt động tích cực, có ích cho xã hội và công chúng, đặc biệt là những hoạt động mà chính quyền chưa kịp điều chỉnh, thực hiện.

Bản thân mạng xã hội cũng như các nền tảng khác, chỉ là các phương tiện truyền thông đại chúng. Việc lạm dụng nó để trục lợi hay các hiện tượng tiêu cực khác là trách nhiệm của người sử dụng chứ không phải của phương tiện. Vì vậy, các nhà quản lý cũng như công chúng cần phải có cái nhìn rõ ràng ở khía cạnh này, tránh đổ hết tội lỗi lên mạng xã hội. Hơn nữa, cái gì không quản được cũng cấm thì rất nguy hiểm.

PV: Trong bối cảnh hiện nay việc giáo dục ý thức, trang bị kỹ năng tham gia internet và mạng xã hội là vô cùng cần thiết, nhất là với giới trẻ. Từ góc nhìn của một người làm công tác GD&ĐT trong lĩnh vực báo chí thầy có lời khuyên nào cho các bạn học sinh, sinh viên khi tham gia mạng xã hội và internet?

TS. Phan Văn Kiền: Tôi thường xuyên có các buổi tiếp xúc và tập huấn kỹ năng sử dụng mạng xã hội và các nền tảng internet cho nhiều nhóm công chúng, trong đó có nhóm công chúng trẻ, đặc biệt là nhóm học sinh sinh viên. Đây là nhóm chính đang sử dụng các nền tảng internet và mạng xã hội, vì vậy, ý thức tham gia của nhóm này có sự ảnh hưởng mang tính quyết định tới môi trường không gian mạng.

Nhóm công chúng này vẫn được gọi với khái niệm thân thuộc là Gen Z. Họ có những đặc điểm tương đối nhạy cảm với môi trường internet và mạng xã hội như nhu cầu bày tỏ chính kiến và bản thân cao, xu hướng tìm kiếm tương tác mạnh, tinh thần quyết tâm chiến thắng lớn…

Những đặc trưng này khi gặp môi trường phức tạp như internet, đặc biệt là mạng xã hội sẽ dễ nảy sinh ra các bất lợi như khó kiểm soát trong việc tranh luận và tương tác khi nhu cầu thể hiện bản thân thì cao, tinh thần quyết tâm chiến thắng thì lớn mà ít bị ràng buộc về mặt ý thức xã hội (do đặc tính ảo của môi trường internet).

Bởi vậy, tôi luôn dặn các bạn trẻ bằng câu “thần chú” cần phải tâm niệm khi tham gia tương tác trên mạng xã hội là: Hãy chia sẻ có ý thức, xem và đọc có chọn lọc, bình luận có trách nhiệm, tương tác có chừng mực và hãy bình tĩnh trong mọi trường hợp.

Thực hiện được tâm niệm này như một thói quen sẽ giúp cho các bạn trẻ tránh được nhiều hệ luỵ mà môi trường mạng đưa lại.

PV: Giáo dục văn hóa ứng xử trên mạng xã hội ở môi trường học đường cũng rất quan trọng. Theo thầy, cần có giải pháp nào để nâng cao hơn nữa vai trò của nhà trường trong việc giúp học sinh, sinh viên có hành vi sử dụng mạng xã hội hợp lí và hiệu quả?

TS. Phan Văn Kiền: Việc cần phải có các hoạt động giáo dục ý thức tham gia internet nói chung và mạng xã hội nói riêng cho công chúng, đặc biệt là các công chúng trẻ hiện nay trở thành một nhu cầu cấp thiết, nếu không nói là tương đối muộn.

Thay vì cấm học sinh online khi đến trường, tôi nghĩ các nhà trường và các bộ phận có trách nhiệm cần phải làm thế nào để học sinh được online khi đến trường trong một tinh thần văn minh, lành mạnh và an toàn.

Chúng ta không thể quay lưng lại với internet cũng như với mạng xã hội. Việc cần thiết là phải trang bị cho công chúng kiến thức và kỹ năng tham gia mạng xã hội để nâng cao chất lượng các hoạt động trên nền tảng này chứ không phải thấy các hiện tượng tiêu cực là cấm.

Tôi nghĩ, kỹ năng tham gia mạng xã hội và internet cần được giáo dục như kỹ năng sinh tồn hoặc kỹ năng mềm cho học sinh từ giai đoạn cuối bậc tiểu học hoặc đầu bậc trung học cơ sở. Với đòi hỏi này, cần thực hiện song song hai việc trước mắt:

Thứ nhất là cần bổ sung vào chương trình đào tạo môn Giáo dục công dân cho học sinh trung học cơ sở, thậm chí là bậc tiểu học các nội dung liên quan đến giáo dục ý thức tham gia trên môi trường internet nói riêng và mạng xã hội nói chung, các nguyên tắc cần thiết khi tham gia không gian này.

Thứ hai là song song với quá trình giáo khoa hoá kiến thức kỹ năng này (thường phải thông qua các quy trình rất phức tạp), các nhà trường tiểu học và trung học cơ sở nên tổ chức ngay các khoá tập huấn kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn và văn hoá cho học sinh của mình.

Bên cạnh đó, các khoá tập huấn kỹ năng và văn hoá sử dụng mạng xã hội và tham gia internet cho các nhóm công chúng khác nhau trong bối cảnh chúng ta đã không kịp làm việc này ngay từ đầu cũng rất quan trọng.

Thậm chí, giáo viên các cấp cũng cần được trang bị kỹ năng và kiến thức sử dụng internet và mạng xã hội để có thể hướng dẫn chính học sinh của mình sống chung với internet. Tôi nghĩ, việc “bình thường hoá” cách nghĩ, cách tiếp cận với internet và mạng xã hội phải trên cơ sở của việc hiểu biết và được đào tạo.

Vì vậy, thay vì cấm học sinh online khi đến trường, tôi nghĩ các nhà trường và các bộ phận có trách nhiệm cần phải làm thế nào để học sinh được online khi đến trường trong một tinh thần văn minh, lành mạnh và an toàn.

Một khía cạnh nữa cũng cần được quan tâm là các công nghệ ứng dụng vào mạng xã hội cần được phát triển mạnh mẽ hơn để hạn chế các hiện tượng tiêu cực trên mạng xã hội. Trong nhiều năm qua, các công ty quản lý các mạng xã hội đã liên tục cập nhật, cải tiến và ứng dụng các công nghệ để ngăn chặn nhiều hiện tượng tiêu cực. Tuy nhiên, sự cập nhật này có vẻ chưa theo kịp thực tiễn phát triển.

Song song với quá trình giáo khoa hoá kiến thức kỹ năng sử dụng mạng xã hội và internet (thường phải thông qua các quy trình rất phức tạp), các nhà trường tiểu học và trung học cơ sở nên tổ chức ngay các khoá tập huấn kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn và văn hoá cho học sinh của mình.

Bài liên quan
TPHCM dự kiến hơn 13.000 học sinh không tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10
Sở GD&ĐT TPHCM vừa có báo cáo gửi UBND TP về việc thực hiện công tác phân luồng sau tốt nghiệp THCS và giao chỉ tiêu vào lớp 10 năm học 2024-2025.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để học sinh được ‘bình thường hóa’ với internet và mạng xã hội ở trường học