Đề phòng nhồi máu cơ tim khi thời tiết chuyển lạnh

Vân Huyền | 18/02/2022, 20:56
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm có nguy cơ tử vong cao do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi tim. Đặc biệt, thời tiết chuyển rét đậm, rét hại làm tăng lượng bệnh nhân nhập viện do nhồi máu cơ tim.

Vừa qua, các bác sĩ Khoa Tim mạch, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã can thiệp mạch vành cho bệnh nhân Trương T V (81 tuổi, trú tại Đông Triều, Quảng Ninh) bị nhồi máu cơ tim cấp nguy kịch.

Trước đó, bệnh nhân có biểu hiện đau nhói từng cơn vùng ngực trái. Cơn đau xuất hiện cả khi nghỉ ngơi. Bệnh nhân được gia đình chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp ngày thứ 3, chưa loại trừ viêm cơ tim.

nhoi-mau-co-tim2.jpg
Ekip can thiệp đã tái thông và đặt stent phủ thuốc vào đoạn mạch bị tắc. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân được đưa lên phòng can thiệp mạch DSA. Hình ảnh chụp mành vành xác định bệnh nhân bị tắc hoàn toàn đầu đoạn 2 động mạch mũ, hẹp 60% động mạch liên thất trước, xơ vữa động mạch vành phải. Ekip can thiệp đã tái thông và đặt stent phủ thuốc vào đoạn mạch bị tắc. Sau can thiệp, bệnh nhân đỡ đau ngực, thoát nguy kịch, chỉ số sinh tồn ổn định.

Nhồi máu cơ tim cấp thường gặp ở những bệnh nhân tuổi trung niên, cao tuổi có các bệnh lý kết hợp như: tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, ít hoạt động thể dục thể lực… Nếu không được cấp cứu, can thiệp kịp thời sẽ gây biến chứng nguy hiểm như rối loạn nhịp tim, suy tim cấp, tai biến do tắc mạch, vỡ tim, đột tử… dẫn đến tử vong.

Theo ThS.BS Trần Văn Quý - Phó Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Bãi Cháy, vào mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5 mmHg. Tình trạng duy trì liên tục mức huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng tim mạch, đột quỵ. Nhiệt độ giảm sâu cũng khiến các mạch máu co lại dễ dẫn đến tai biến. Vì vậy, khi thời tiết chuyển lạnh, mọi người cần giữ ấm cơ thể, hạn chế ra ngoài nêis nhiệt độ quá thấp.

nhoi-mau-co-tim1.jpg
Sau can thiệp, bệnh nhân đỡ đau ngực, thoát nguy kịch, chỉ số sinh tồn ổn định. Ảnh: BVCC.

Để giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, người dân cần có chế độ ăn uống hợp lý, tránh ăn mỡ và nội tạng động vật. Ăn đủ rau quả, từ bỏ thói quen hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia, tập thể dục đều đặn, giữ cân nặng hợp lý. Đồng thời, tránh căng thẳng tâm lý, điều trị tốt các bệnh lý (nếu có) như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…

Ngoài ra, người dân cần chú trọng khám sức khỏe định kỳ cũng như khám chuyên khoa tim mạch khi có triệu chứng bất thường. Nhờ đó, phát hiện và điều trị sớm bệnh lý động mạch vành, giúp phòng ngừa nhồi máu cơ tim và các biến chứng.

Người bệnh tim mạch cần tuân thủ phác đồ điều trị. Khi có các dấu hiệu như chóng mặt đột ngột, khó thở, đau nhói khó chịu vùng xương ức, đổ mồ hôi lạnh, nhịp tim bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bài liên quan
Sốc phản vệ độ 3 do tự ý dùng thuốc kháng sinh
(GDTĐ) - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (Hà Nội) cho biết vừa tiếp nhận trường hợp bà N. (72 tuổi, Long Biên, Hà Nội) trong tình trạng nguy cấp do dị ứng thuốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề phòng nhồi máu cơ tim khi thời tiết chuyển lạnh