Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho biết, đơn vị này đang điều trị một bệnh nhi 13 tuổi, quê Cà Mau.
Theo người nhà, trong dịp Tết, bệnh nhi uống 3 - 4 chai coca 1,5 lít mỗi ngày, tăng cân nhanh. Sau Tết, trẻ thường xuyên than mệt, khát nước, tiểu nhiều, sụt 10 kg trong 3 ngày. Trẻ tiếp tục uống nước ngọt không kiểm soát mỗi khi mệt. Đỉnh điểm, có ngày, trẻ uống hết một thùng trà xanh C2. Trẻ tiếp tục uống thêm 5 bịch cà phê gói, hơn hai quả dừa tươi. Tuy nhiên, càng uống, trẻ càng mệt.
Chiều ngày 14/2, trẻ rơi vào tình trạng lơ mơ, được gia đình đưa vào bệnh viện địa phương xét nghiệm. Kết quả cho thấy, bệnh nhi có nhiều ceton trong máu do đái tháo đường. Đường huyết được ghi nhận ở mức hơn 1500 mg/dl. Trẻ được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng lơ mơ, sốc mất nước nặng, da khô và tái nhợt.
.jpg)
Trẻ cần thay đổi chế độ ăn để kiểm soát tình trạng bệnh. Ảnh: BVCC.
Bệnh nhi nhanh chóng được các bác sĩ cấp cứu cân chỉnh đường huyết tích cực bằng nhiều loại dịch truyền, tiêm thuốc insulin đặc trị đái tháo đường. Đến sáng ngày 17/2, trẻ tỉnh táo và hồi phục sức khỏe. Hiện tại, bệnh nhi vượt qua được những biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường. Tuy nhiên, bác sĩ Vũ cho biết, trẻcần thay đổi chế độ ăn để kiểm soát căn bệnh này ở tuổi còn quá nhỏ. Bác sĩ Vũ cho biết, trẻ đã được hướng dẫn chế độ ăn khoa học mới. Trong đó, khẩu phần ăn nhạt, đơn giản hơn để kiểm soát bệnh đái tháo đường.
Theo các nghiên cứu trên thế giới, một người uống 2 lon nước ngọt/ngày thường xuyên và đều đặn sẽ tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên 30%. Với trẻ nhỏ, uống nhiều nước ngọt làm giảm khả năng hấp thụ canxi, ảnh hưởng tới quá trình phát triển chiều cao. Bên cạnh đó, việc uống nước ngọt khiến người trẻ mắc các chứng bệnh tim mạch, đái tháo đường sớm hơn so với người trẻ có lối sống lành mạnh.