Đề thi Ngữ văn đúng với cơ cấu của đề mẫu, có sức phân hóa cao

28/06/2023, 09:48
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Với phần làm văn ra vào tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân, đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT 2023 được đánh giá có sức phân hóa cao, khá dễ viết.

Hà Hoàng

report

Đề thi đáp ứng tiêu chí xét tốt nghiệp THPT

Nhận xét đề thi Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, cô Nguyễn Thị Duyên – Trường THPT Nguyễn Du (Hà Tĩnh) đánh giá, đề thi khá cơ bản, đáp ứng tiêu chí xét tốt nghiệp THPT.

Đề bám sát kiến thức sách giáo khoa. Các ngữ liệu văn học dễ hiểu, tường minh. Ở phần đọc hiểu, thí sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản là có thể đạt tối đa (3 điểm).

Câu 4 ở phần I của đề thi khá hay khi đề cập đến bài học về lẽ sống cho bản thân. Câu hỏi vừa có tính chất thời sự, vừa bao hàm yếu tố giáo dục. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhiều bạn trẻ có lối sống buông thả, chưa chuẩn mực và chưa nhận thức được ý nghĩa của cuộc sống. Do đó, bàn luận về lẽ sống cũng là cách để học sinh nhìn nhận lại bản thân, có lẽ sống tốt đẹp và là người tử tế.

“Tôi cho rằng, câu 4 Phần I của đề thi đã chạm đến cảm xúc của nhiều người và là cơ hội để thí sinh thể hiện khả năng viết lách và bày tỏ quan điểm cá nhân về ý nghĩa của cuộc sống. Đây cũng là câu có nhiều “đất diễn” cho thí sinh” – cô Duyên nhìn nhận.

Đề thi Ngữ văn đúng với cơ cấu của đề mẫu, có sức phân hóa cao ảnh 4

Cô Nguyễn Thị Duyên. Ảnh Nhật Bắc.

Sang phần làm văn (Phần II), câu 1 là sự nối tiếp với phần đọc hiểu. Đề thi yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ của bản thân về cân bằng cảm xúc trong cuộc sống. Đề thi như "thay lời muốn nói” cho mỗi người.

Trong cuộc sống với biết bao bộn bề lo toan, có lúc vui tươi, hạnh phúc, nhưng cũng có lúc giận hờn, tức giận và áp lực bủa vây. Nếu không biết cách cân bằng cảm xúc có thể dẫn đến những điều không mong muốn.

“Tôi cho rằng, đề thi đã đề cập đến vấn đề thời sự, được dư luận xã hội quan tâm. Tiếc rằng, đề thi chỉ giới hạn khoảng 200 chữ nên nhiều thí sinh sẽ gặp khó để thể hiện cảm xúc, bày quan điểm chuyển hóa thành bài viết của mình. Câu 4 phần I và câu 1 phần II chính là những câu mang tính phân hóa thí sinh” – cô Duyện nhận xét.

Câu 2 của phần làm văn đề cập đến tác phẩm “Vợ nhặt” – một tác phẩm quen thuộc của nhà văn Kim Lân. Yêu cầu của đề thi rõ ràng, tường minh nên không đánh đố thí sinh. Đáng nói, cơ cấu điểm ở phần này là 5 điểm nên đây cũng có thể được coi là câu “gỡ điểm” của nhiều thí sinh.

Nhìn chung, với đề thi thí sinh nắm chắc thức trên lớp là có thể đạt điểm trung bình trở lên.

“Tôi dự đoán, năm nay phổ điểm thi môn Ngữ văn sẽ tương đương năm ngoái, thậm chí có thể cao hơn một chút. Năm nay sẽ xuất hiện nhiều điểm 9 – 9,5” – cô Duyên nhận định.

report

Đề Ngữ văn hay, có độ phân hóa cao

Nhận định về đề Ngữ văn sáng nay, cô Nguyễn Hằng Nga - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) cho rằng, đề thi ra đúng với cơ cấu của đề mẫu Bộ GD&ĐT đã công bố.

Đề thi Ngữ văn đúng với cơ cấu của đề mẫu, có sức phân hóa cao ảnh 5

Cô Nguyễn Hằng Nga - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội).

Câu đọc hiểu văn bản đảm bảo kiến thức từ nhận biết thể thơ, các từ ngữ hình ảnh của bài thơ, biện pháp tu từ. Thông hiểu các tác dụng nghệ thuật của biện pháp tu từ.

Câu 4 ở phần đọc hiểu là câu có tính chất vận dụng khá hay, học sinh sẽ tự rút ra những bài học của riêng mình khi đi qua những giông gió của cuộc đời. Câu hỏi vận dụng này rất có ý nghĩa với lứa tuổi sắp vào đời.

Theo cô Hằng Nga, phần Nghị luận xã hội là một câu hỏi vận dụng cao khá quen thuộc với 1 số đề khảo sát của một số địa phương đã từng ra trước đây, đó là cân bằng cảm xúc trong cuộc sống nên có lẽ cũng không làm khó thí sinh.

Phần nghị luận văn học yêu cầu tổng hợp cả 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Đề yêu cầu thí sinh phân tích đoạn văn cuối của tác phẩm Vợ nhặt và nêu lên cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân.

Tác phẩm Vợ nhặt đã mấy tháng nay nằm trong tầm ôn tập của các thí sinh nên nhiều thí sinh sẽ làm tốt. Tuy nhiên chỉ ra cái nhìn về cuộc sống của tác giả là lạc quan tin tưởng vào phẩm chất tốt đẹp của người lao động và hướng về Cách mạng thì có lẽ chỉ có một số thí sinh chỉ ra đúng đáp án.

Hơn nữa dư âm của Cách mạng tháng Tám 1945 vang vọng trong đoạn văn sẽ có một số thí sinh quên không viết vào bài làm.

"Tóm lại đề có sức phân hóa cao, khá dễ viết. Đề bám sát chương trình lớp 12. Đề cũng khá hay ở câu 4 phần đọc hiểu và câu nghị luận xã hội. Phổ điểm dự kiến từ 6,5 đến 7,5" - cô Nguyễn Hằng Nga nhận định.

Đình Tuệ

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/de-thi-ngu-van-dung-voi-co-cau-cua-de-mau-co-suc-phan-hoa-cao-post644729.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/de-thi-ngu-van-dung-voi-co-cau-cua-de-mau-co-suc-phan-hoa-cao-post644729.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề thi Ngữ văn đúng với cơ cấu của đề mẫu, có sức phân hóa cao