Sau đó, để yên dịch lọc khoảng 2 giờ, tiến hành chiết lấy phần dịch ở phía trên trước khi cho vào hệ thống máy cô đặc chân không. Dịch cô đặc lá neem được bảo quản trong lọ thủy tinh tối màu với chất bảo quản (tỷ lệ 1 gam/lít).
ThS Đào Thanh Khê chia sẻ, dịch cô đặc lá neem được hòa với nước theo tỷ lệ nhất định và khuấy đều để hỗn hợp đồng nhất với thể tích 5 lít. Có thể phối trộn thêm dung dịch phụ gia để tăng hiệu quả phòng trừ sâu bệnh.
Mỗi bình dung dịch thuốc trừ sâu sinh học được chuẩn bị (5 lít) để phun vào cùng một thời điểm trong các ngày (6 - 7 giờ sáng) cho 1 luống rau, phun phòng trừ 1 lần cho rau ở giai đoạn rau còn non khoảng 2 - 3 tuần tuổi.
Dung dịch phụ gia được chuẩn bị bao gồm các nguyên liệu như ớt, tỏi, gừng được giã nhỏ và ngâm với rượu 75°C theo tỷ lệ 1:1 (w/v) với thời gian 15 ngày để thu được dung dịch ngâm chứa các chất gây cay hỗ trợ cho việc tiêu diệt sâu bệnh.
Các loại rau được lựa chọn khảo sát bao gồm: Cải ngọt, dền và mồng tơi. Thời gian thu hoạch ngắn ngày từ 20 - 45 ngày, có thể trồng quanh năm, thích hợp với khí hậu nơi thực nghiệm (huyện Củ Chi, TPHCM).
Kết quả khảo sát chu kỳ phun ở 4 loại rau cải xanh, cải ngọt, cải bèo và rau dền cho thấy hiệu lực phòng trừ sâu bệnh ở chu kỳ phun 3 ngày và 5 ngày là cao nhất, không khác biệt nhiều. Đối với cải xanh, cải ngọt, cải bèo (xà lách) và rau dền, hiệu quả phòng trừ sâu bệnh ở chu kỳ phun 3 ngày là cao nhất.
Từ thành công của thử nghiệm, nhóm nghiên cứu bước đầu đã xây dựng thành công quy trình sản xuất dịch chiết lá neem Ninh Thuận bằng phương pháp cô đặc chân không. Dịch cô đặc thu được có màu xanh sẫm và mùi hắc đặc trưng, được bảo quản tốt nhất trong thời gian khoảng 2 tháng, ở nhiệt độ phòng.
Kết quả nghiên cứu ban đầu đã chứng tỏ vai trò của dịch cô đặc lá neem trong phòng trừ sâu bệnh. Trên cơ sở nghiên cứu, có thể áp dụng dịch cô đặc lá neem trên các loại cây trồng khác hoặc bảo vệ các kho lương thực để hạn chế tình trạng mối mọt.