Nhà giáo Nguyễn Văn Lự trong giờ ôn tập. Ảnh: NVCC |
Tôi hiểu, học trò bây giờ nhiều em thông minh, nhanh nhạy và đạt điểm tuyệt đối rất xứng đáng. Cho điểm và đánh giá còn tùy thuộc quan điểm của mỗi thầy cô. Để đạt điểm 10 các môn và môn Ngữ văn nói riêng, theo tôi cực hiếm. Có thể bài này 10 nhưng bài khác thì không và các môn khác cũng thế.
Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi: Điểm thi khảo sát, điểm hằng ngày có phải vì quá thật nên thầy cô không công bố? Điểm đầu vào thấp, điểm tổng kết chót vót có phải con em mình đã tiến bộ vượt bậc? Vì sao điều kiện tuyển sinh đầu cấp lại đưa ra quy định phải toàn điểm 10? Vì sao, một số trường ĐH tuyển sinh theo học bạ từ 15 điểm 3 môn… Áp lực học nhiều môn chính không còn nhưng áp lực điểm đẹp còn nguy hiểm hơn. Điểm 10 lơ lửng trong giấc mơ của trẻ và cha mẹ sẽ đẩy các em vào học thêm, học đến mức để được cô giáo chấm điểm 10 tất cả môn học; biến các con thành thần đồng, thành siêu nhân hết thảy.
Tôi mơ một ngày nào đó, các em được vui chơi nhiều hơn học. Một ngày trẻ trở về sau buổi học vui vẻ khoe hôm nay điểm A, B, C và không phải khóc xin “để con làm xong bài tập đã” và ngủ ngon lành. Tôi cũng ao ước các thầy cô giao bài tập vừa đủ và theo năng lực từng em. Tôi mơ các nhà giáo dù ở trường loại 1 hay loại 3, dù dạy lớp nào cũng nên tiết kiệm điểm giỏi. Nhà giáo nào chẳng có con đi học, và có ai không hiểu, áp lực bài vở nên các trò chép lấy chép để, chép tranh thủ để có bài nộp. Nhà giáo nào lại không hiểu, gian lận học và thi của trò cũng như thầy cô ghi điểm lúc cuối kỳ?
Tôi vẫn nhớ, ngài Kofi Annan, nguyên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, giải Nobel Hòa bình, từng khẳng định: “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa, chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi…”. Câu nói này làm tôi liên tưởng đến đất nước Campuchia, với 8 điểm mấu chốt về học thật, chất lượng thật, ngài Bộ trưởng Giáo dục TS Hang Chuon Naron, từ năm 2014, đã được thế giới tôn vinh khi đưa Giáo dục Campuchia thay đổi hoàn toàn và phát triển mạnh mẽ.
Từ nước bạn, tôi cũng nghĩ, tương lai thế hệ Gen Z của đất nước hình chữ S này, một ngày không xa sẽ sánh vai các cường quốc. Nhưng một người bạn đã làm tôi thức tỉnh khi nói rằng: “Thi thế, thì học thế và xét điểm thế thì cho điểm thế. Chừng nào còn dùng điểm để xét tuyển đại học, còn dùng điểm xét thi đua thì chưa thể vì chất lượng được. Thi đua nên cùng đua, như cỗ thuyền máy chạy đua trên sông. Vinh quang dành cho thuyền về đích trước. Nhưng anh hỏi làm thế nào để thay đổi là câu hỏi vượt tầm của em”.
Nhiều đêm dài, tôi cạn nghĩ, giá như các nhà mô phạm, phụ huynh không cùng trẻ bay lượn trong thế giới danh hiệu khá giỏi ảo bằng cách này cách kia! Giá như các vị quản lý nghĩ tới và hành động cho học sinh thân yêu thật lòng, thanh thản và nghiêm túc, thì việc trả lại chất lượng thật cho giáo dục không khó. Thành tích, danh xưng và tiền bạc là phù du. Điểm cao mà ảo nói cho cùng, không chỉ làm hại một đời người, mà còn hại nhiều thế hệ học trò và xa hơn là hại cả dân tộc đang không ngừng phát triển. - Thầy Nguyễn Văn Lự