Điện Biên: Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch

Hà Quàng | 17/12/2023, 10:24
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Ngày 16/12, nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hoá, Du lịch Điện Biên, Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Điện Biên đã diễn ra với sự góp mặt của lãnh đạo tỉnh với các Hiệp hội, doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Hà Nội.

hoi-nghi-xuc-tien-1.jpg
Điện Biên đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch năm 2023.

Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Điện Biên với mong muốn góp phần đẩy mạnh tăng cường công tác giới thiệu, xúc tiến, quảng bá các điểm đến du lịch, các sản phẩm, dịch vụ du lịch, các di sản văn hóa phi vật thể và định hướng phát triển du lịch của tỉnh Điện Biên. Tăng cường kết nối, liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Điện Biên và thành phố Hà Nội, tạo cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch đẩy mạnh trao đổi thông tin, phát triển thị trường.

Tiềm năng và thế mạnh làm nên du lịch Điện Biên

Nằm cách Thủ đô Hà Nội gần 500km, địa danh gắn liền với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các loại hình du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước.

Tỉnh Điện Biên hiện có 31 di tích lịch sử được xếp hạng, trong đó 1 di tích quốc gia đặc biệt, 14 di tích cấp quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh; 18 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; nghệ thuật Xòe Thái và Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái được UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điện Biên là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, người dân thân thiện, hiếu khách, bản sắc văn hóa đa dạng.

anh-bang-phat-bieu-km.jpg
Ông Vừ A Bằng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nhấn mạnh về các tiềm năng du lịch Điện Biên.

Hiện nay, Điện Biên là tỉnh duy nhất trong các tỉnh Tây Bắc có sân bay kết nối với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vừa được nâng cấp thành sân bay lớn đủ điều kiện cho máy bay A321 hoạt động, hệ thống giao thông đường bộ với các tỉnh trong khu vực đang được quan tâm đầu tư, mở rộng... đó là những yếu tố quan trọng để Điện Biên xây dựng và phát triển.

Về tài nguyên du lịch lịch sử, tâm linh, Điện Biên có Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ; Đền thờ liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ vừa được xây dựng bề thế và trang nghiêm; Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng; đền Hoàng Công Chất; các nghĩa trang liệt sĩ quốc gia: A1, Him Lam, Độc Lập, Tông Khao…

Về tài nguyên du lịch văn hóa, tỉnh Điện Biên có 19 dân tộc với những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, hấp dẫn. Các phong tục tập quán, sinh hoạt, tín ngưỡng, các lễ hội truyền thống đang được bảo tồn, tôn vinh, phát triển trở thành nét văn hóa đặc trưng như: Lễ hội Hoa Ban, Lễ hội đền Hoàng Công Chất, Lễ hội Đua thuyền Đuôi Én, các lễ hội, tết truyền thống của đồng bào dân tộc người Thái, Mông, Lào, Hà Nhì…

Về tài nguyên du lịch sinh thái, tỉnh Điện Biên hiện đang khai thác các sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên như: Hệ sinh thái hồ Pá Khoang, khám phá Đảo hoa Anh đào, Rừng di tích lịch sử Mường Phăng, đèo Pha Đin huyền thoại, chinh phục A Pa Chải - điểm Cực Tây của Việt Nam - Ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, cao nguyên đá và hệ thống hang động tại huyện Tủa Chùa, Điện Biên; các điểm nước khoáng nóng, tinh khiết với trữ lượng lớn như Pe Luông, Uva …

hoi-nghi-xuc-tien-2.jpg
Toàn cảnh Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch Điện Biên tại Hà Nội.

Cơ chế chính sách thu hút các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội

Tỉnh Điện Biên định hướng thu hút đầu tư vào 5 ngành, lĩnh vực quan trọng bao gồm: Nông- Lâm nghiệp; Du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng;  Xây dựng cơ sở hạ tầng; Thương mại Dịch vụ; Công nghiệp (Công nghiệp chế biến và Năng lượng). Trong đó: Nông - Lâm nghiệp là nền tảng; Xây dựng là Động lực; Du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn phát triển của tỉnh.

Tỉnh Điện Biên có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, do vậy, tỉnh đang nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp để ban hành các cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực để thu hút thêm các nguồn lực cho phát triển như :

Cơ chế, chính sách, hỗ trợ đầu tư kết nối hạ tầng giao thông, điện, nước... đối với các Cụm công nghiệp (CCN), cụm tương hỗ để thu hút nhà đầu tư hạ tầng đồng bộ, chất lượng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư của tỉnh.

Cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư lớn, dự án đầu tư có hiệu quả, phát triển bền vững vào đầu tư tại tỉnh.

Xây dựng các cơ chế, chính sách, quy định để huy động, nâng cao chất lượng đô thị đồng bộ, hiện đại, đô thị xanh, phát triển bền vững, tạo sức hút, phát triển dịch vụ, thị trường bất động sản lành mạnh.

Cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ hiện đại, công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, chuyển đổi số, kinh tế số. Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chính sách ưu đãi, hỗ trợ thu hút nhà đầu tư vào đầu tư khu, điểm du lịch, khách sạn cao cấp thông qua hỗ trợ thủ tục pháp lý, bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, điện, nước,...

Cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp sạch, tập trung vào các chính sách hỗ trợ, tư vấn về giống, triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất, đảm bảo sản xuất sạch theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, giải quyết tốt khâu chế biến, xúc tiến liên kết, tìm kiếm thị trường đầu ra...

Cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng nguồn nhân lực trình độ cao trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, giảng viên cao đẳng, bác sỹ giỏi, nhân lực khoa học - công nghệ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật cao trong các ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ lực.

Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực. Tăng cường công tác quản lý, xử lý vi phạm hành chính; đẩy mạnh công tác theo dõi thi hành pháp luật, tập trung vào những lĩnh vực đang nóng, nổi cộm. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp.

Ngoài ra tỉnh cũng hỗ trợ để các Doanh nghiệp và Nhà đầu tư về các lĩnh vực theo quy định như: Hỗ trợ chuyển giao công nghệ; Hỗ trợ đào tạo; Hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; Hỗ trợ tín dụng đầu tư; Hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Tỉnh Điện Biên chịu trách nhiệm thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư trước khi giao đất hoặc cho nhà đầu tư thuê đất.

Nhà đầu tư được hỗ trợ hướng dẫn các thủ tục đầu tư và giải quyết các thủ tục hành chính trong thời gian ngắn nhất.  Nhà đầu tư chỉ cần làm việc trực tiếp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên để nhận Giấy chứng nhận đầu tư và triển khai thực hiện dự án.

Với tiềm năng và cơ hội đầu tư còn rất lớn, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích đầu tư nhất quán, điều kiện đầu tư ngày càng thuận lợi hơn cùng với sự trọng thị của các cấp, các ngành, địa phương tin tưởng rằng, Điện Biên sẽ là điểm đến hấp dẫn và là sự quan tâm đầu tiên của các nhà đầu tư trong việc tìm kiếm cơ hội và xúc tiến đầu tư những dự án có tính khả thi cao, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới.

ki-ket-dl.jpg

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên và Sở Du lịch TP Hà Nội ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2024-2026.

Ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nhấn mạnh: "Hội nghị xúc tiến du lịch là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động của Tuần Văn hoá, Du lịch tỉnh Điện Biên tại TP Hà Nội. Được sự quan tâm của các hiệp hội lữ hành, các đơn vị quản lý nhà nước về du lịch của TP Hà Nội và các đơn vị thông tấn báo chí cùng tham dự diễn đàn. Nếu như các sự kiện được tổ chức thường niên, công tác quảng bá hình ảnh được tốt và định hướng đúng các nhiệm vụ giải pháp theo các lộ trình đã đặt ra; Việc thực hiện triệt để, ưu tiên, xác định đúng các nhiệm vụ trọng tâm để phát triển văn hoá du lịch với xã hội, tôi tin rằng Tuần Văn hoá, Du lịch Điện Biên sẽ thành công tốt đẹp. Đây là tiền đề để ban lãnh đạo tỉnh Điện Biên tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt năm du lịch quốc gia Điện Biên 2024, góp phần thực hiện thắng lợi, thành công Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025, thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần xoá đói giảm nghèo cho bà con nhân dân các dân tộc, sớm đưa Nghị quyết 03 của Đảng bộ đi vào cuộc sống, thực sự đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.”

Bài liên quan
Khai mạc Tuần Văn hoá, Du lịch Điện Biên tại Hà Nội năm 2023
(GDTĐ) - Tối ngày 15/12, lễ Khai mạc Tuần Văn hoá, Du lịch Điện Biên năm 2023 đã diễn ra tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Buổi lễ đã thu hút nhiều người dân thủ đô đắm chìm trong sắc màu văn hoá các dân tộc tại Điện Biên.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điện Biên: Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch