(GDTĐ) - Diễn biến mới nhất của vụ việc Daihatsu gian lận thử nghiệm với xe Toyota có biến chuyển bất ngờ, thậm chí chủ tịch Daihatsu - Soichiro Okudaira cho biết: “Tình hình cực kỳ nghiêm trọng”, thậm chí cho biết giấy phép sản xuất ô tô của thương hiệu này đang đứng trên bờ vực bị thu hồi”.
Hãng Reuters đưa tin, Toyota Motor - nhà sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản cho biết rằng Daihatsu – thương hiệu con của Toyota sẽ tạm dừng vận chuyển tất cả dòng loại xe của mình đến đại lý, sau khi một cuộc điều tra về vụ bê bối gian lận thử nghiệm về an toàn liên quan 64 mẫu xe, trong đó có gần 20 mẫu xe được gắn thương hiệu Toyota.
Một hội đồng độc lập đã điều tra vụ việc của Daihatsu khi thương hiệu này, vào tháng 4/2023, đã có những gian lận ở các miếng lót cửa bên hông, và đến tháng 5/2023 là bất thường trong các cuộc kiểm tra an toàn va chạm bên hông. Vụ việc này liên quan 88.000 chiếc xe nhỏ, hầu hết được bán dưới thương hiệu Toyota.
Nhưng những thông tin tiết lộ mới nhất cho thấy phạm vi của vụ bê bối lớn hơn rất nhiều và đi lan rộng hơn nhiều so với những báo cáo trước đây. Và điều này có khả năng làm hoen ố danh tiếng của nhà sản xuất ô tô Nhật Bản về chất lượng và an toàn. Báo cáo này tiết lộ thêm 174 vấn đề mới trong 25 hạng mục thử nghiệm an toàn là “có vấn đề”
Báo cáo này cũng cho biết một số mẫu của Mazda và Subaru bán tại thị trường nội địa các mẫu xe Toyota và Daihatsu ở nước ngoài cũng liên quan trong vụ việc này.
Các giám đốc điều hành của Daihatsu cho biết các chuyến hàng xuất xe ra nước ngoài sẽ bị đình chỉ cho đến khi các cơ quan quản lý cho phép bán xe trở lại. Chủ tịch Daihatsu Soichiro Okudaira cho biết: “Tình hình cực kỳ nghiêm trọng”, thậm chí cho biết giấy phép sản xuất ô tô của thương hiệu này đang đứng trên bờ vực bị thu hồi”
Hành vi gian lận của Daihatsu cũng bao gồm các báo cáo sai lệch về các bài kiểm tra tác động của tựa đầu và tốc độ đối với một số mẫu xe.
Cuộc điều tra của uỷ ban độc lập cho thấy các trường hợp gian lận này phổ biến từ các sản phẩm ra đời sau năm 2014 và cá biệt đã xảy ra từ năm 1989 trên một mẫu xe Daihatsu đã ngừng sản xuất.
Đại diện Toyota Motor cho biết “Đây sẽ là một vụ việc cực kỳ nghiêm trọng và không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Điều này không chỉ yêu cầu xem xét lại hoạt động quản lý và kinh doanh mà còn phải xem xét lại tổ chức và cơ cấu.”
Toyota cho biết họ vẫn chưa thể xác định vụ việc này sẽ tác động thế nào đến kinh doanh của tập đoàn.
Hoạt động ở nước ngoài của Daihatsu tập trung tại Malaysia và Indonesia thông qua liên doanh với các đối tác tại địa phương. |
Theo số liệu của Toyota, Daihatsu đã sản xuất 1,1 triệu xe trong 10 tháng đầu năm, gần 40% trong số đó là ở nước ngoài. Nó đã bán được khoảng 660.000 xe trên toàn thế giới trong thời gian đó và chiếm 7% doanh số bán hàng của Toyota.
Toyota cho biết các mẫu xe bị ảnh hưởng bao gồm các mẫu xe dành cho thị trường Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Campuchia và Việt Nam cũng như các nước Trung và Nam Mỹ như Mexico, Ecuador, Peru, Chile, Bolivia và Uruguay.
Trước vấn đề gian lận của Daihatsu, Toyota cũng đã có những vụ việc làm ảnh hưởng đến uy tin vào năm 2022 liên quan đến vụ bê bối dữ liệu động cơ tại các nhà máy sản xuất xe tải và xe buýt của Toyota, Hino Motors. Và đặc biệt là vụ bê bối chân ga bị lỗi khiến Chủ tịch Toyota Akio Toyoda - giám đốc điều hành khi đó đã buộc phải ra điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ vào năm 2010.
Tại Việt Nam, một số mẫu xe Toyota được phát triển trên nền tảng khung gầm DNGA - Daihatsu New Global Architecture bao gồm Toyota Wigo, Toyota Raize, Toyota Avanza, Toyota Veloz Cross. Hiện chưa có thông tin cụ thể nào đối với các mẫu xe gắn thương hiệu Toyota do Daihatsu phát triển tại khu vực ASEAN.
Như Phúc