Điện Biên - 'Phên dậu' vững chắc vùng Tây Bắc

14/02/2024, 09:16
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã lùi xa, song ý nghĩa và những giá trị lịch sử vẫn mang tính thời sự cho cả hôm nay và mai sau.

Gần 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên luôn khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần đoàn kết và phát huy giá trị lịch sử, nỗ lực phấn đấu xây dựng Điện Biên vững mạnh toàn diện, là “phên dậu” vững chắc trên cực Tây của Tổ quốc.

Những “trang sử” sống...

Những ngày đầu tháng 1, chúng tôi có dịp cùng anh Vũ Văn Yên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên) đến thăm cựu chiến binh, chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Hội.

Tháng 10/1953, thanh niên Nguyễn Văn Hội (quê ở Hải Dương) khi ấy vừa tròn 16 tuổi đã nhập ngũ vào Trung đoàn huấn luyện của Bộ Tổng tư lệnh. Đến tháng 1/1954, trở thành chiến sĩ thuộc Đại đội 320, Tiểu đoàn 929, Trung đoàn 176, Đại đoàn 316 (nay là Sư đoàn 316) tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

“Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 176 chúng tôi nhận nhiệm vụ áp giải tù binh về Thanh Hoá. Cuối tháng 3/1958, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp huấn thị, giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 176 trở lại Điện Biên xây dựng nông trường sản xuất”, ông Hội cho biết.

Điện Biên đang
Điện Biên đang "thay da, đổi thịt".



“Công tác cải cách hành chính tiếp tục được cải thiện. Điểm chỉ số cải cách hành chính (Par index) năm 2022 của tỉnh Điện Biên đạt 86,30/100 điểm, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 2 bậc so với năm 2021. Đây cũng là năm chỉ số CCHC của tỉnh xếp thứ hạng cao nhất từ trước tới nay”, ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên chia sẻ.

70 năm sau ngày chiến thắng đã trôi qua, những hình ảnh về năm tháng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, những trận chiến đấu ác liệt giành giật từng tấc đất, đoạn hào diễn ra trên chiến trường Điện Biên Phủ, những cảm xúc hân hoan trong ngày vui ấy vẫn còn trong tâm trí ông.

Đến tận bây giờ, dịp nào kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ là ông Hội cũng dành thời gian để kể về những năm tháng hào hùng cho các con, cháu.

“Bố tôi vẫn hay kể về những tháng ngày trên chiến trường năm xưa. Hiểm nguy cận kề, nhưng mỗi người chiến sĩ khi ấy luôn hướng về phía trước, về nhiệm vụ giải phóng Điện Biên Phủ. Mỗi lần kể là một lần niềm tự hào ấy như sống dậy trong ông. Tôi hiểu điều đó, tôi cũng từng tham gia quân ngũ và vẫn luôn nhắc nhở cho con cháu mình phải luôn cống hiến hết mình cho Tổ quốc”, ông Nguyễn Văn Thành, con trai ông Hội chia sẻ.

“Con cháu sống trong hoà bình, có điều kiện học hành, làm ăn kinh tế khấm khá là tôi mừng. Mừng hơn là có công mình trong đó”, ông Hội nói. Niềm xúc động trong từng câu nói của ông Hội khiến tôi, anh Yên và cả những người nghe câu chuyện đó tin tưởng rằng: Niềm tự hào về chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ sẽ luôn sống mãi!

Chia tay chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Hội, chúng tôi đến thăm nhà cụ Cà Thị Ính (90 tuổi) trú tại bản Bông, xã Noong Hẹt. Không tham gia kháng chiến, nhưng những hình ảnh của tháng ngày cùng gia đình chạy “mưa bom”, ngủ dưới hầm sâu, rồi bị dồn về trại tập trung trong tâm trí bà cụ vẫn còn rõ nét.

Cụ Ính nhớ lại: “Cuối năm 1953, thực dân Pháp đến chiếm đóng, người dân khắp các bản làng lòng chảo Mường Thanh đều bị bắt dồn về trại tập trung ở bản Noong Nhai (nay thuộc xã Thanh Xương, huyện Điện Biên). Cả nhà tôi cũng đều phải di chuyển về đó. Đến khi quân đội ta về giải phóng Điện Biên, chúng tôi mới được trở về nhà. Khi ấy, bố tôi đã mất ở Noong Nhai rồi”.

Chứng kiến những thay đổi của mảnh đất lịch sử Điện Biên Phủ theo từng năm tháng, cụ Ính xúc động: “Nhờ có Đảng, có Nhà nước mà cuộc sống của người dân Mường Thanh giờ thay đổi nhiều lắm. Trước kia, khu nhà tôi ở chỉ toàn là bãi hoang và rừng tre. Nhưng giờ đây, bản làng có rất nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên. Đường bê tông về tận bản, trường học được dựng lên, con cháu được học hành, cuộc sống ngày càng no đủ”.

Một góc TP Điện Biên Phủ nhìn từ trên cao.
Một góc TP Điện Biên Phủ nhìn từ trên cao.

Hoa nở trên vùng chiến sự

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Nhân dân các dân tộc Điện Biên đã đóng góp sức người, sức của cùng với quân, dân cả nước làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Sau giải phóng, Điện Biên bắt đầu công cuộc xây dựng, kiến thiết trong điều kiện bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, đồng ruộng bị cày xới với ngổn ngang vũ khí, bom đạn còn sót lại, Nhân dân ly tán.

Khó khăn, thách thức là vậy, song phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh Điện Biên đã tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh để chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chăm lo phát triển văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo; bảo đảm quốc phòng - an ninh; chăm lo xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhiều năm liền Điện Biên duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao với cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Điển hình nhất là năm 2023.

Theo ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên: Năm 2023, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, song Điện Biên đã không ngừng nỗ lực để đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Có 14/26 chỉ tiêu chủ yếu trong các lĩnh vực đã đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, có 10 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

“Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 của tỉnh Điện Biên ước đạt 7,86%, đạt cao hơn so với mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, đạt khá cao so bình quân chung của cả nước (dự báo 5%), thuộc tốp đầu của 14 tỉnh trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng”, ông Lê Thành Đô nhấn mạnh.

Lĩnh vực công nghiệp xây dựng tiếp tục là điểm sáng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các chương trình, dự án trọng điểm tiếp tục được Điện Biên quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt. Dự án Nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Điện Biên hoàn thành đưa vào khai thác trở lại từ ngày 2/12/2023 là động lực, tạo đà cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Là người dân sinh ra và lớn lên tại Điện Biên, chị Lê Thị Dung (41 tuổi) không khỏi vui mừng trước sự kiện lần đầu tiên Điện Biên đón máy bay cỡ lớn. Đó là lúc 11h20 ngày 1/12/2023, chiếc Airbus A321 mang số hiệu VN-A396 đã chạm bánh xuống mặt đường băng sân bay Điện Biên, chính thức ghi dấu mốc đặc biệt khi lần đầu tiên trong lịch sử, sân bay này đón nhận thành công một máy bay cỡ lớn, hiện đại.

“Việc đưa vào khai thác an toàn máy bay phản lực tại sân bay Điện Biên được coi là cột mốc quan trọng trong ngành hàng không Việt Nam, cũng như mở ra cơ hội phát triển mới cho kinh tế, xã hội của tỉnh Điện Biên. Tôi nghĩ rằng không chỉ riêng tôi mà bất cứ người dân nào của Điện Biên cũng đều rất vui trước dấu mốc lịch sử này!”, chị Dung bày tỏ.

Năm 2023, trong bối cảnh tỉnh Điện Biên dừng hoạt động Cảng Hàng không để phục vụ thi công mở rộng sân bay, song song với việc tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hoá, thể thao, lễ hội cùng với việc tăng cường quảng bá, giới thiệu về mảnh đất con người Điện Biên, các lĩnh vực thương mại, dịch vụ tiếp tục có bước phát triển mạnh, có mức tăng trưởng cao.

Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá của Điện Biên đã tăng 28,93%; doanh thu từ hoạt động du lịch tăng 26,45%; tổng doanh thu của hoạt động vận tải tăng 45,12%; kim ngạch xuất khẩu tăng 33,76%.

Các lĩnh vực văn hóa thể thao, phát thanh truyền hình, thông tin, truyền thông có nhiều đổi mới, tiến bộ; giáo dục đào tạo, giải quyết việc làm,... được tập trung thực hiện, đạt được những kết quả tích cực. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cao nhất từ trước đến nay với kết quả đạt 99,51%.

Ông Nguyễn Văn Hội vui vầy cùng con cháu.
Ông Nguyễn Văn Hội vui vầy cùng con cháu.

Vang mãi trang sử vàng...

Là địa bàn chiến lược về quốc phòng an ninh, có tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Điện Biên đã tập trung lãnh đạo toàn diện nhiệm vụ xây dựng và củng cố quốc phòng, quân sự địa phương, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.

Thực hiện củng cố khu vực phòng thủ, kết hợp chặt chẽ thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân. Tăng cường nhiều biện pháp phòng ngừa đấu tranh chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; duy trì và mở rộng các hoạt động đối ngoại. Nhờ vậy, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn bảo đảm, góp phần quan trọng tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn; chất lượng, hiệu quả hoạt động được nâng lên; đẩy mạnh công tác phát triển Đảng viên, nâng cao chất lượng các tổ chức cơ sở đảng, từng bước đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước.

Gần 70 năm qua, Điện Biên vinh dự và tự hào được thay mặt nhân dân cả nước gìn giữ và phát huy giá trị quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ - một trong 10 di tích đặc biệt của cả nước được công nhận lần đầu. Những dấu tích chiến tranh còn lại của quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ đang được gìn giữ, bảo tồn và phát huy, là điểm du lịch hấp hẫn của du khách trong và ngoài nước đến với Điện Biên.

Điện Biên là nơi sinh sống của 19 dân tộc anh em với những phong tục, tập quán nét văn hóa phong phú và đặc sắc. Tiềm năng du lịch lịch sử và du lịch văn hóa đã và đang được Điện Biên khai thác, phát huy, mỗi năm thu hàng trăm ngàn lượt khách trong nước và quốc tế.

Cụ Cà Thị Ính vẫn kể lại cho cháu con nghe về Điện Biên ngày trước.
Cụ Cà Thị Ính vẫn kể lại cho cháu con nghe về Điện Biên ngày trước.

Từ tiềm năng, thế mạnh này, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh Điện Biên đã xác định, đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ là một trọng tâm trong phát triển kinh tế, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Những chuyển biến, đổi thay và thành tựu nổi bật của Điện Biên sau gần 70 năm đã khẳng định sức mạnh đoàn kết của Nhân dân các dân tộc, niềm tin của người dân đối với đường lối và sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng góp sức xây dựng một Điện Biên phát triển, ấm no.

Trong tình hình mới, tỉnh Điện Biên xác định sẽ kế thừa, phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng để tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, đẩy mạnh việc khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát huy nội lực, đi đôi với mở rộng quan hệ hợp tác thu hút đầu tư, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững.

Trong đó tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, tranh thủ mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là các công trình về giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế. Nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch, quản lý quy hoạch và thực hiện theo quy hoạch về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Song song với đó, Điện Biên xác định sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, lĩnh vực gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động, phát triển mạnh các thành phần kinh tế và kinh tế vùng. Thu hút các thành phần kinh tế đầu tư khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về du lịch, tạo động lực thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.

Chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội tại Điện Biên có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh được tập trung thực hiện có hiệu quả. Đến nay, đã có 3.104/5.000 hộ đã hoàn thành việc làm nhà. Công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện các hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Năm du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 được triển khai tích cực và nhận được sự quan tâm ủng hộ của Trung ương, các tỉnh thành trong cả nước.

Bài liên quan
Bóng hồng phương Nam sẵn sàng cho cuộc diễu binh trọng đại ở Điện Biên
Nhiều ngày qua, cùng với hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân, 92 nữ dân quân tiêu biểu ở TPHCM đã miệt mài tập luyện để sẵn sàng cho chương trình diễu binh, diễu hành tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điện Biên - 'Phên dậu' vững chắc vùng Tây Bắc