Sau hơn 10 ngày Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực thi hành, nhiều phụ huynh vẫn đang loay hoay với việc sắp xếp lịch học tập của con em mình. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, đồng tình khi học sinh được giảm tải áp lực, cũng còn nhiều băn khoăn, lo ngại con không theo kịp kiến thức trên lớp bởi vốn dĩ lâu nay, gia đình đều “trăm sự nhờ thầy”, học sinh thì thiếu khả năng “tự học”, tự tìm tòi.
Loay hoay khi dừng học thêm
Là phụ huynh có con đang học lớp 4 tại một trường tư thục ở Hà Nội nhưng chị Lê Thùy An (Hà Đông, Hà Nội) vẫn bày tỏ lo lắng khi một số lớp học thêm của con chị đã tạm dừng hoạt động, bởi quy định cấm học thêm đối với học sinh Tiểu học. Chị An tâm sự: “Dù con đã học 2 buổi/ngày ở trường nhưng do gia đình định hướng cho con thi vào các trường chất lượng cao cấp Trung học Cơ sở nên vẫn phải đi học thêm ba môn Toán – Tiếng Việt - Tiếng Anh. Sau khi áp dụng Thông tư 29, hiện các thầy cô đều thông báo cho con tạm nghỉ, tôi khá “sốc”. Khi đi học thêm, con có thể tiếp thu và giải các bài tập nâng cao dưới sự hướng dẫn của các thầy cô, nhưng nếu tự học thì con rất thụ động. Giờ làm hết bài về nhà cô giao là con nghỉ, không chịu làm thêm các bài tập nâng cao nữa, dù tôi đã mua thêm sách học bổ trợ, in thêm phiếu bài cho con. Tình trạng này nếu vẫn kéo dài, tôi sợ con khó đạt mục tiêu thi đỗ vào lớp 6 trường chất lượng cao”.
Đề cập vấn đề đưa học sinh ra ngoài trung tâm học thêm nếu có nhu cầu, chị Hồ Thị Băng, một phụ huynh học sinh tại Hà Nội cho rằng: “Học thầy cô ở trường mình là tốt nhất. Bởi nếu tôi cho con đi học ở ngoài trung tâm thì thực sự không biết hiệu quả như thế nào. Các thầy cô giáo ở ngoài dạy một lớp đông như thế, thậm chí không nhớ được tên các cháu, cũng không biết thế mạnh của học sinh là gì để phát huy, còn yếu ở điểm nào để hỗ trợ, kèm cặp. Lâu nay, tôi vẫn nhờ cô giáo ở trường dạy bổ trợ cho con ngoài giờ chính khóa và thấy con có nhiều tiến bộ. Giờ phải dừng học thêm, gia đình thực sự rất trăn trở”.
Trên thực tế, sau giờ học chính khóa ở trường, nhiều giáo viên Tiểu học tiếp tục dạy thêm học sinh của mình tại nhà riêng hoặc thuê phòng ở trung tâm gần trường. Trong khi đó, học sinh Tiểu học đã được học 2 buổi/ngày tại trường, không cần thiết phải đi học thêm nữa. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, phụ huynh vô tình tạo điều kiện để việc dạy thêm trái quy định ở cấp Tiểu học diễn ra, làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của học sinh.
Khác với những băn khoăn, lo lắng của nhiều phụ huynh, chị Hoàng Cẩm Vân (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ sự ủng hộ với những quy định mới trong Thông tư 29. Chị Vân chia sẻ: “Nhà tôi có 2 cháu, một cháu lớp 7 và một cháu lớp 4. Khi chưa có Thông tư 29, cả hai cháu đều phải đi học thêm rất nhiều. Một phần do các con chưa nắm chắc kiến thức trên lớp nên phải tìm lớp học thêm bổ trợ; nhưng mặt khác, các con phải tham gia thêm các lớp học vừa mang tính “tự nguyện”, vừa có phần “ép buộc” do nhà trường hay giáo viên tổ chức. Thương các con vô cùng khi nhiều ngày phải học “ba ca”, có những hôm ra khỏi nhà lúc 7h sáng mà 9h tối mới được về. Mình là người lớn, đi làm cả ngày cũng mệt, chỉ mong đến giờ về để được nghỉ ngơi, nữa là trẻ con đang “tuổi ăn, tuổi lớn”. Giờ các lớp học thêm ở trường đã dừng, tôi lựa chọn cho các con học bổ trợ bên ngoài với môn mà con còn đuối. Thời gian rảnh, con được tham gia bóng đá, bóng rổ, bơi – vốn là các hoạt động thể thao các con rất thích, nhưng trước đây chỉ có ít thời gian hiếm hoi còn trống để tập luyện”.
Đồng quan điểm trên, chị Nguyễn Phương Lan (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng: “Nhiều phụ huynh lo ngại, nếu con có thời gian rảnh ở nhà chỉ toàn xem tivi, điện thoại thì thà rằng cho con đi học thêm vừa có thầy cô quản lý, con học được chữ nào hay chữ ấy… Song, theo tôi, bố mẹ cần đồng hành, hỗ trợ con xây dựng thời gian biểu hợp lý, kết hợp giữa việc học tập với tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, nghệ thuật hoặc hướng dẫn các con phụ giúp việc nhà, thực hành kỹ năng sống, thay vì “đẩy” con đến các lớp học thêm tràn lan, phó mặc cho nhà trường, thầy cô, gây quá tải”.
Rèn luyện thói quen “tự học”
Tại buổi làm việc ngày 24/2 vừa qua với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để kiểm tra việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng mong muốn cán bộ, giáo viên nhìn nhận đầy đủ hệ lụy, tác hại của việc dạy thêm, học thêm với học sinh và với chính giáo viên để triển khai nghiêm túc Thông tư 29.
Thứ trưởng đề nghị các cấp quản lý cùng quán triệt quan điểm “5 không” và thực hiện tốt “4 đề cao”. Cụ thể, 5 không là: Không “đánh trống bỏ dùi”, không thỏa hiệp, không khoan nhượng, không biến tướng, không nói khó mà không làm. Bốn đề cao là: Đề cao vai trò cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đề cao tinh thần tự tôn, tự trọng, tinh thần hết lòng vì học sinh của giáo viên; đề cao tính tự giác, tự học của học sinh; đề cao vai trò mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội.
Trước những thay đổi về quy định dạy thêm, học thêm theo Thông tư 29, thầy Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Mạc Đĩnh Chi, Hải Phòng) chia sẻ: Thói quen “học thêm” sẽ phải dừng lại, chắc chắn có sự hụt hẫng, hoang mang, thậm chí là khó khăn lớn xuất hiện. Nhưng đây cũng chính là cơ hội để các em tìm lại sức mạnh nội tại: tinh thần tự học. Lúc đầu, tự học có thể khó khăn, mệt mỏi và kém hiệu quả. Nhưng làm quen và thuộc dần thì tự học sẽ trở thành một nguồn sức mạnh to lớn, giúp các em vững vàng đối mặt với thử thách và thành công trong tương lai.
Với các thầy cô giáo, khi không dạy thêm, cuộc sống và công việc chắc chắn sẽ khó nhọc và khó khăn. Khó nhọc vì nhiều học trò chưa có thói quen tự học, cần nhiều thời gian để hình thành; khi ấy, việc dạy học sẽ trở nên nhọc mệt hơn bao giờ hết. Khó khăn vì thu nhập giáo viên có sự sụt giảm đáng kể. Trước đây, nhiều thầy cô đã tận dụng cả giờ nghỉ, giờ ăn để dạy kèm học sinh, vừa giúp trò tiến bộ, vừa đảm bảo cuộc sống cá nhân. Nay, sự thay đổi này đặt ra thách thức lớn với mỗi thầy cô.
Nhưng theo thầy Nguyễn Minh Quý, các thầy cô cần tiếp tục là những người làm gương, thể hiện sự thích nghi và quyết tâm. Dù không còn dạy thêm, chúng ta vẫn sẵn sàng giải đáp thắc mắc cho học sinh, hỗ trợ trực tiếp hoặc trực tuyến khi có thể. Chúng ta cũng cần có thêm thời gian để chăm sóc bản thân, gia đình và cơ hội luyện nghề hơn.
Đề cao tinh thần tự học của học sinh, thầy Lưu Văn Thông, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng: Tự học không có nghĩa là “ngắt kết nối” với thầy cô. Các em vẫn có thể kết nối qua điện thoại hoặc trao đổi với các thầy cô trên trường để hỏi về những vấn đề mình còn thiếu, cần quan tâm. Muốn tự học phải có tài liệu, có thể là phiếu học tập, đề kiểm tra do thầy cô đang giảng dạy trên lớp cung cấp liên quan tới các chuyên đề ôn tập. Học sinh có thể nhờ thầy cô tư vấn sách, tài liệu tham khảo hiệu quả.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Trường Trung học Phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng: Tình trạng thiếu trường, lớp; chất lượng trường, lớp không đồng đều đã biến “cuộc chiến” với dạy thêm, học thêm không có hồi kết. Chúng ta đang kỳ vọng kết quả dựa vào học thêm chứ không phải từ năng lực, từ nhận thức của mỗi người. Đây là một điều sai lầm cần loại bỏ.
Ngoài ra, có một nguyên nhân dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, đó là trách nhiệm của giáo viên dường như chưa đến nơi đến chốn, thầy cô chưa thực sự làm hết trách nhiệm. Thầy cô phải nắm được năng lực của từng học trò. Có những em chỉ cần lướt qua là đã hiểu bài nhưng có em cần dành thời gian để giảng giải kỹ lưỡng, cụ thể hơn. Thầy cô phải đưa ra những bài tập dẫn dắt các em. Trên cơ sở đó sẽ có cách thức hướng dẫn học sinh ngay trên lớp.
“Học thêm chỉ nhằm bồi dưỡng cho những đối tượng học sinh thực sự cần, còn những học sinh được đánh giá học khá, tốt không cần học thêm. Tôi bảo đảm học sinh học giỏi không cần học thêm vì các em học giỏi là đã được rèn luyện năng lực tư duy nhất định; các em luôn có ý thức mang kiến thức mình học được vận dụng, giải đáp bài toán thực tế trong cuộc sống. Bố mẹ cần tạo điều kiện, nuôi dưỡng, cho con đi học theo năng lực chứ không phải theo ý mình mong muốn” - Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Thông tư 29 ra đời bởi chúng ta đang dành quá nhiều thời gian vào việc học vì điểm số, bằng cấp. Việc kiểm tra đánh giá là cần thiết nhưng vẫn cần cải tiến kiểm tra đánh giá cho phù hợp với yêu cầu. Đề thi phải để học sinh không học thuộc lòng, không phải đối phó với sách giáo khoa mà phải biến kiến thức sách giáo khoa thành kiến thức của mình để đáp ứng những câu hỏi thực tế. Điều đó mới cần thiết và là bước phát triển lâu dài.