Gần đây, phía doanh nghiệp cũng hết sức khó khăn, không chỉ thị trường đầu ra do không có đơn hàng, mà còn gặp khó khăn về chi phí vốn, lãi suất cao. Trong bối cảnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ theo hướng phải giảm dần lãi suất cho vay và huy động. Do vậy, chính sách tiền tệ cũng phải được nới lỏng ở chừng mực nhất định.
Tôi cho rằng, việc điều hành giảm lãi suất là cần thiết, nhưng nên chú trọng vào việc giảm chi phí nghiệp vụ ngân hàng, chứ không phải nén lãi suất đầu vào xuống; hoặc đưa tiền ra nhiều làm cung tiền lớn hơn cầu. Nếu nới lỏng tiền tệ theo con đường đó sẽ dẫn đến lạm phát tăng. Khi đó không chỉ kinh tế vĩ mô bất ổn, kênh đầu tư kém hấp dẫn, mà còn ảnh hưởng đến chính sách tăng lương đợt này, vì như vậy sẽ dẫn đến giảm tiền lương thực tế của người hưởng lương.
Đặc biệt, khi điều chỉnh tiền lương, cần phải quản lý chặt chẽ thị trường, bình ổn giá, nhất là đối với giá hàng tiêu dùng thiết yếu. Điều này gắn liền với trách nhiệm của Bộ Công Thương. Trong những lần tăng lương trước, tuy lạm phát điều hành linh hoạt, ổn định, không tăng nhiều nhưng trên thị trường giá lại tăng, đó là điều bất bình thường.
Cứ tăng lương là từ bát phở, đến giá cước vận tải, taxi, cái gì cũng tăng theo. Như thế sẽ tạo ra những bất lợi, giảm thu nhập thực tế cũng như niềm tin của người dân. Hơn lúc nào hết, cùng với kiểm soát lạm phát gắn với trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, vấn đề quản lý thị trường, giá cả, tránh đầu cơ, nhũng nhiễu, tăng giá vô tội vạ, bất hợp lý đó là trách nhiệm của Bộ Công Thương và các cấp chính quyền địa phương.
Không ít ý kiến còn lo ngại, với số lượng người hưởng lương rất lớn, về lâu dài, nếu không kịp thời đưa ra giải pháp căn cơ, mà cứ “tăng lương đuổi” như thế này thì không ngân sách nào chịu nổi?
Đúng như vậy. Việc tăng lương luôn cần thiết, nhưng chắc chắn việc trượt giá những năm tiếp theo sẽ có, chứ không thể giữ nguyên được. Do vậy, tăng lương cơ sở đợt này, nhưng chỉ vài năm sau, nhu cầu đời sống thực tiễn đặt ra, lại tiếp tục phải điều chỉnh. Nếu không tăng lương sẽ ảnh hưởng đến đời sống, người ta lại bỏ khu vực công sang khu vực khác, rồi động lực cũng giảm dần… Nhưng nếu cứ vài năm lại tăng một lần thì không ngân sách nào chịu nổi.
“Cứ bộ máy khổng lồ thế này, đến lúc nào đó ngân sách nhà nước sẽ biến thành ngân sách tiêu dùng, chỉ đủ tiền trả lương, không đủ trả nợ thì còn đâu có tiền đầu tư. Do vậy, để ổn định bền vững, đồng thời với việc tăng lương cơ sở, phải chú trọng đến việc tinh giản biên chế bằng cách tổ chức lại bộ máy, khoán biên chế, rồi tăng cường chế độ trách nhiệm, áp dụng KH&CN vào, như thế mới bền vững được”.
TS. Bùi Đức Thụ
Trong bối cảnh đó, buộc chúng ta phải có giải pháp, tinh giản bộ máy, giảm biên chế. Cứ bộ máy khổng lồ thế này, mà hiệu lực, hiệu quả lại không tăng lên, rồi đến lúc nào đó ngân sách nhà nước sẽ biến thành ngân sách tiêu dùng, chỉ đủ tiền trả lương, không đủ trả nợ thì còn đâu có tiền đầu tư. Do vậy, để ổn định bền vững, đồng thời với việc tăng lương cơ sở, phải chú trọng đến việc tinh giản biên chế bằng cách tổ chức lại bộ máy, khoán biên chế, rồi tăng cường chế độ trách nhiệm, áp dụng KH&CN vào, như thế mới bền vững được.
Bên cạnh vấn đề điều chỉnh lương, nhiều người cũng cho rằng, cần xem xét điều chỉnh chính sách, đặc biệt về mức thuế thu nhập cá nhân cho hợp lý, đồng bộ?
Đúng là cần phải rà soát lại những cơ chế, chính sách liên quan đến thu nhập của người hưởng lương cho phù hợp, đồng bộ, để việc tăng lương thực sự ý nghĩa. Nếu cứ tăng chỗ này lại thu chỗ kia thì chính sách sẽ bất nhất, thiếu đồng bộ, không hợp lý. Luật ban hành đã có nhiều nội dung không còn phù hợp, nên phải rà soát lại các văn bản, đặc biệt là luật về thuế cần sửa đổi cho phù hợp, tạo thành hệ thống chính sách đồng bộ trong chính sách thu nhập nói chung, tránh tình trạng các chính sách bị xung đột, đối lập nhau.
Cần điều chỉnh chính sách cho phù hợp, mức khởi điểm chịu thuế thu nhập phải nâng lên khi tăng lương; rồi số bậc thế có nên thu gọn lại? Hay mức giảm trừ đối với người phụ thuộc có còn hợp lý không?... Nếu vẫn áp mức thuế trong điều kiện hiện nay, lạm phát vẫn tăng không khéo sẽ trở thành tận thu quá, không phù hợp với từng đối tượng. Do vậy, cần phải sớm điều chỉnh chính sách thuế thu nhập cho thực sự phù hợp.
Cảm ơn ông.