“Một mặt vẫn để cho các nhà xuất bản quy định giá theo cơ chế thị trường nhưng mặt khác chúng ta không thể để các doanh nghiệp muốn định giá bao nhiêu cũng được”, ý kiến của ông Nguyễn Tiến Thảo, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam về giá sách giáo khoa. Theo ông Thảo, nguyên tắc định giá là tuân theo các hạng mục cụ thể trong sản xuất mà nhà xuất bản phải chi ra và có mức lợi nhuận phù hợp để tái đầu tư theo quy định của Luật Giá (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua.
Tại chương trình tọa đàm “Sách giáo khoa và câu chuyện xã hội hóa giáo dục”, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, trao đổi, trong luật chỉ quy định các mặt hàng được định giá, trong đó có sách giáo khoa và giao cho Chính phủ quy định khung giá phù hợp với từng thời kỳ, quy định giá tối đa để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, giá tối thiểu để bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy, quy định này sẽ nhất quán với Điều 11 của Luật Giá hiện hành, đó là tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh có quyền tự định giá hàng hóa dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh (trừ hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá) và quyết định được giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất kinh doanh, mà Nhà nước quy định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu.
Giá sách giáo khoa có tác động lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt đối với vùng sâu, xa, vùng kinh tế khó khăn. Theo số liệu thống kê, cả nước có khoảng 17 triệu học sinh phổ thông. Vì thế, mỗi lần điều chỉnh tăng giá sách giáo khoa đều tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng CPI của cả nước. Điều này đặt ra yêu cầu Nhà nước cần có giải pháp cấp bách để điều tiết giá đảm bảo công bằng, thực hiện mục tiêu về an sinh xã hội đặc biệt cho các khu vực vùng sâu, xa, vùng có kinh tế khó khăn.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã đề xuất Chính phủ giao Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá, nhằm bảo đảm công bằng cho người sử dụng, ổn định an sinh xã hội theo tinh thần của Nghị quyết số 88.
Tại Nghị quyết số 63/2022/QH15 Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã thống nhất nội dung bổ sung sách giáo khoa vào danh mục do Nhà nước định giá. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Bộ GD&ĐT đã có 3 văn bản gửi Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì soạn thảo) góp ý dự thảo Luật Giá (sửa đổi) trong đó thống nhất với dự thảo Luật Giá sửa đổi về nội dung bổ sung sách giáo khoa vào danh mục do Nhà nước định giá.
Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Chính phủ đề nghị bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, giao cho Bộ GD&ĐT định giá tối đa, các nhà xuất bản quyết định giá cụ thể.