Như vậy có thể thấy, nếu xã hội có những hệ chuẩn mực hợp lý, đúng đắn, sáng suốt, phù hợp với mục tiêu của tiến bộ xã hội thì như một lẽ tất nhiên giới trẻ cũng khó có thể sống chệch hướng, phi lí tưởng.
TS. Đỗ Ngọc Hà cho hay kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Thanh niên về hành vi sai lệch của thanh, thiếu niên cho thấy hành vi sai lệch của thanh niên vẫn còn biểu hiện trên nhiều khía cạnh cả trong tư tưởng, trong môi trường học tập, công việc, trong tham gia hoạt động văn hoá và cả việc vi phạm pháp luật…
Điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do chế tài thực hiện chưa nghiêm. Vì vậy, cần phải làm tốt hơn nữa việc thực hiện các chuẩn mực xã hội, quy định của luật pháp trở thành văn hoá của mỗi tổ chức, cộng đồng và trong xã hội. Khi đó cơ chế tự kiểm soát, điều chỉnh hành vi của các thành viên trong xã hội và của thanh niên được hình thành, phát triển.
Anna Bắc Giang - Cô gái có hành vi lừa đảo nhưng lại được giới trẻ hâm mộ. |
Theo Báo cáo Tổng quan phát triển kỹ thuật số Việt Nam năm 2021, Việt Nam có 76,95 triệu người dùng mạng xã hội (chiếm 97,8% dân số từ 13 tuổi trở lên). Điều đó cho thấy mạng xã hội giờ đây có vị trí không hề nhỏ trong cuộc sống của giới trẻ. Tuy nhiên, từ đây lại phát sinh rất nhiều các hành vi lệch chuẩn.
Những trào lưu kém duyên, phản cảm ngày càng tăng cấp độ thành những trò nguy hiểm bất chấp. Theo giới nghiên cứu, Việt Nam cần môi trường pháp lý chặt chẽ nhằm quản lý các nền tảng mạng xã hội để người dùng được tiếp cận với những sản phẩm phù hợp với lứa tuổi và văn hóa. Đồng thời, phải triệt tiêu các hành vi lệch chuẩn để có một xã hội văn hoá.
Mặc dù nhiều hành vi bị xử phạt theo quy định pháp luật, nhưng những video, trào lưu xấu ngày ngày tràn lan. Điều đó đồng nghĩa, công cụ pháp luật là chưa đủ mà còn phải có sự vào cuộc đồng bộ từ gia đình, trường học, tổ chức cơ quan, truyền thông và toàn xã hội… để định hướng giới trẻ biết nhận thức cái hay cái đúng, cái sai trái – phản cảm.
Đơn cử hiện nay, nhiều trường đại học đã yêu cầu sinh viên phải học giáo trình gốc, không photo và dùng giáo trình photo. Điều này giúp sinh viên biết và thực hiện đúng chuẩn mực về bản quyền, về sở hữu trí tuệ, tạo thói quen thực hành chuẩn mực pháp luật trong thanh niên.