Bên cạnh đó, anh Tuấn cũng thông tin, các cấp Đoàn cũng đã có kiến nghị đổi mới nội dung phương pháp dạy trong nhà trường. Ngành Giáo dục có tiếp nhận theo hướng người học là trung tâm. Đây là điều quan trọng nhất trong bối cảnh đổi mới toàn diện giáo dục theo hướng phát huy năng lực người học.
“Ba năm vừa qua rất nhiều không gian sáng tạo được tổ chức trong trường học cho các em tiểu học. Từ đó trang bị cho các em phương pháp kỹ năng sáng tạo và nghiên cứu khoa học”, anh Tuấn nói.
Đẩy mạnh hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp
Theo anh Tuấn, T.Ư Đoàn đã phối hợp với các ngành tổ chức giải thưởng, tôn vinh, sân chơi khoa học sáng tạo. Kết nối các ý tưởng sáng tạo với các cơ quan hữu quan, tổ chức kinh tế biến ý tưởng thành sản phẩm áp dụng trong thực tiễn, cổ vũ nuôi dưỡng đam mê.
Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn tạo cơ chế đồng hành cùng các bạn đưa kết quả nghiên cứu, sáng tạo được tình bày, phô diễn thông qua quá trình chuyển đổi số.
“Chúng tôi đã có app Thanh niên Việt Nam, diễn đàn chuyển đổi số để tất cả ý tưởng từng cấp được đưa lên và có cơ chế kết nối để trưng bày, kết nối với các tổ chức, cá nhân liên quan. Đây cũng là các hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học hội nhập với khu vực và thế giới”, anh Tuấn nhấn mạnh.
Nhiều bạn trẻ hiện nay còn băn khoăn về giải pháp giúp học sinh hướng nghiệp ngay từ đầu để có thể chọn đúng ngành nghề và có việc làm đúng ngành được đào tạo.
Theo anh Tuấn, vào năm 2008 đây đúng là vấn đề của cả xã hội khi nhiều bạn chọn nghề ngẫu nhiên, định hướng nghề nghiệp không cao, phân luồng giữa cao đẳng nghề, trung cấp nghề rất yếu.
“Đa số muốn đổ xô vào học đại học mà chưa biết có được làm đúng nghề, đúng ngành không. Rồi không vào đại học thì không học nghề mà đi làm lao động phổ thông. Điều này khiến tỉ lệ lao động qua đào tạo của nước ta khi đó rất thấp, chỉ 18,5%”, anh Tuấn thông tin.
Tuy nhiên, theo anh Tuấn, khi có Luật Giáo dục nghề nghiệp, tỉ lệ phân luồng hiện nay đã hơn 90%. Việc chọn nghề nghiệp của học sinh phổ thông đã tốt hơn nhiều. Nhiều đơn vị của Đoàn, các trường cũng có định hướng cho các em rất sớm, từ cuối lớp 11. Trong 2 năm vừa qua, việc định hướng nghề nghiệp đã hướng tới đối tượng lớp 8, lớp 9.
Trong thời gian tới, anh Tuấn cho biết, T.Ư Đoàn đang tiếp tục hoàn thiện phần mềm trợ lý ảo test về xu hướng nghề nghiệp. Những bạn học sinh cuối cấp THCS và THPT sử dụng có thể biết được sự phù hợp nghề nghiệp. Bên cạnh đó, T.Ư Đoàn cũng sẽ đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp theo phối hợp với ngành GD-ĐT và LĐ-TB&XH.
Bí thư thứ nhất cũng cho biết, T.Ư Đoàn cũng sẽ làm tốt hơn công tác giới thiệu việc làm và kỹ năng nghề cho các bạn thanh niên. Theo anh Tuấn, đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà nhiều nước khi nhiều người tốt nghiệp xong, làm đúng nghề nhưng kỹ năng nghề không tốt rồi các kỹ năng mềm…