Về vấn đề nhập khẩu xăng dầu, ông Thoại cho biết, doanh nghiệp đầu mối có trách nhiệm nhập khẩu đủ xăng dầu nhưng việc nhập khẩu không phải dễ dàng khi mức giá rất cao, chênh lệch tỷ giá USD/VND rất lớn...
“Hiện nay có 33 đầu mối, nhưng để nhập khẩu xăng dầu về thực sự thời gian qua thì chỉ có 15 đầu mối. Nguyên nhân là không có tiền vì ngân hàng không cho vay. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu xăng dầu về cũng không hề đơn giản, trong khi doanh nghiệp nhập khẩu về phải chi trả bằng tiền USD với chênh lệch tỷ giá rất cao, trong khi bán hàng thì nhận về tiền đồng Việt Nam. Tôi đang lo lắng nếu cứ diễn ra như hiện nay thì chỉ 2 tháng nữa doanh nghiệp chúng tôi không chịu nổi. Nếu có lãi thì doanh nghiệp đầu mối sẵn sàng chia sẻ với các doanh nghiệp bán lẻ, còn chúng tôi kinh doanh cũng đang bị lỗ”, ông Thoại nói.
Ở góc độ thương nhân phân phối, ông Hoàng Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) cho rằng Nghị định 83 và Nghị định 95 sửa đổi đã hoạt động tương đối ổn định. Song ông Dũng kiến nghị giữ nguyên quy định thương nhân phân phối được mua xăng dầu từ nhiều nguồn, cũng như giữ quy định thời gian điều chỉnh giá theo Nghị định 83, tức là ở mức 15 ngày.
“Việc sửa theo 10 ngày gây ra nhiều bất cập trong điều hành giá như trùng ngày nghỉ, lễ, Tết”, ông Dũng dẫn chứng. Bên cạnh đó, lãnh đạo doanh nghiệp này cũng cho rằng cần quy định cửa hàng bán lẻ được lấy tối thiểu từ 3 nguồn.
Còn ông TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM, thì lại nêu câu hỏi, tại sao không để thị trường quyết định giá, tự do hóa giá cả?
“Tôi tin rằng nếu giá xăng dầu tự do hóa thì rất tốt, bởi thị trường thông minh hơn chúng ta nhiều. Đó chính là cách không làm méo mó thị trường. Chúng ta nên bỏ quỹ bình ổn giá, bỏ cách điều hành giá thời gian từ 7- 15 ngày để thị trường quyết định”, ông Cung nói.
Trong khi đó, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) lại cho rằng, chúng ta cần sửa nghị định kinh doanh xăng dầu cho phù hợp với bối cảnh quốc tế, trong nước, sát với biến động thị trường, đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước, tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, Nhà nước, người dân.
“Xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, đầu vào quan trọng của nền kinh tế, mục tiêu kiểm soát CPI… Xăng dầu nhận được sự quan tâm của người dân trong việc điều hành. Với Việt Nam, xăng dầu ngoài đáp ứng chất lượng, an ninh năng lượng, thì công tác điều hành phải đáp ứng, giải quyết lo lắng kiểm soát CPI, đảm bảo nguồn cung. Do đó, quản lý xăng dầu luôn gắn với bài toán cạnh tranh, quản lý thị trường, bàn tay nhà nước đến đâu, nguồn lực của nhà nước dành cho mục tiêu kiểm soát, đảm bảo quản lý về xăng dầu, tính toán hài hòa phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế đất nước”, ông Đông nói.