Độc đáo nét văn hóa của dân tộc Lự

Thanh Sơn | 07/12/2023, 10:35
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Người Lự là một dân tộc ít người trong cộng đồng 54 dân tộc anh em của Việt Nam, thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái. Tính đến nay, người Lự trong cả nước có trên 6.700 người.

Khác với trang phục phụ nữ, trang phục của nam giới đơn giản hơn với quần áo được nhuộm chàm đen, áo cánh kiểu xẻ ngực cài cúc tết dây vải, có hai túi ở hai vạt trước và một túi ở ngực trái.

Trước đây, nam giới người Lự đội khăn đen gấp nếp cuốn nhiều vòng nhưng giờ đây họ ít khi đội khăn. Ngoài sự độc đáo thể hiện trong trang phục, đồ trang sức thi chiếc túi đeo là một sản phẩm rất có giá trị cả về thẩm mỹ và giá trị truyền thống. Túi có nhiều kích cỡ khác nhau, trang trí bằng các họa tiết hoa văn, các nhúm bông với nhiều màu sắc rực rỡ.

Bên cạnh nghề dệt gắn với người Phụ nữ, đối với nam giới có nghề mộc, nghề rèn, đan lát các đồ dùng sinh hoạt trong gia đình, mỗi vật dụng đan lát đều rất đẹp, tinh xảo như giỏ đựng đồ, hom bắt cá…

anh-3-dan-toc-lu-mua-xuong-dong-cua-dan-toc-lu.jpg
Múa xuống đồng dân tộc Lự.

Có một nét riêng đối với phụ nữ dân tộc Lự trong việc làm đẹp là tục nhuộm răng đen có điểm một hai chiếc răng bằng vàng giả. Trước đây, có quy định con gái từ 13-14 tuổi trở lên đều phải nhuộm răng đen với ý nghĩa làm cho răng chắc và thể hiện nét đẹp của người con gái.

Để có một bộ răng đen bóng, người Lự phải lên rừng lấy cây mẹt, cây xuyến về phơi khô rồi đốt. Sau đó, lấy ống tre thủng hai đầu chụp làn khói rồi hơ răng vào đầu ống tre phía trên, việc nhuộm răng thường được thực hiện sau khi ăn cơm tối. Đến nay, lớp trẻ ít người còn nhuộm răng đen.

anh-4-dan-toc-lu-mua-xuong-dong-cua-dong-bao-dan-toc-lu-tam-duong-lai-chau.jpg
Múa xuống đồng dân tộc Lự.

Đối với dân tộc Lự, có một nét độc đáo phải kể tới là văn hóa - văn nghệ. Nổi bật trong đó là dân ca với lượng bài đa dạng và phong phú, được sáng tác trong quá trình sinh sống và lao động sản xuất.

Dân ca của người Lự khỏe khoắn, trữ tình, đằm thắm được chia thành nhiều thể loại, ứng với từng hoàn cảnh cụ thể trong đời sống như: Hát trong đám cưới, hát mừng nhà mới, hát ru con, hát đối đáp… Khi biểu diễn, đồng bào thường sử dụng nhạc cụ truyền thống như trống, chiêng, sáo đôi.

Đến nay, những nhạc cụ này đã bị mai một đi nhiều. Đáng chú ý, các làn điệu dân ca này như một động lực, một sức mạnh thúc đẩy sự say mê, phấn khởi trong lao động sản xuất, trong vui chơi giải trí, tạo sự đoàn kết, kết nối trong cuộc sống của cộng đồng.

anh-5-dan-toc-lu-mua-quat-cua-dan-toc-lu.jpg

Múa quạt dân tộc Lự.

Bên cạnh biểu diễn văn nghệ, đồng bào dân tộc Lự còn bảo tồn các tín ngưỡng, nghi lễ trong thờ thần Rừng. Tiêu biểu là Lễ cúng rừng được tổ chức vào tháng 3 và tháng 6 âm lịch hàng năm để cầu mong các vị thần linh che chở cho bản làng, nhà nhà được ấm no, mùa màng, vật nuôi phát triển.

Ngoài ra, đồng bào Lự vẫn bảo tồn, duy trì các trò chơi truyền thống hết sức phong phú, đặc sắc như: Ném còn, đánh cầu lông gà, đánh khăng, chơi quay, hát giao duyên giữa nam và nữ… trong dịp lễ Tết.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây đời sống của đồng bào các dân tộc vùng cao đã có nhiều đổi thay, nhiều bản của đồng bào các dân tộc trong đó một số bản của người Lự, tiêu biểu như bản Thẳm, huyện Tam Đường đã trở thành điểm du lịch cộng đồng, thu hút du khách.

anh-9-dan-toc-lu-du-khach-mua-cung-dong-bao-dan-toc-lu.jpg

Du khách múa cùng đồng bào dân tộc Lự.

Đến đây du khách được tận hưởng không khí trong lành, được khám phá, trải nghiệm nét văn hóa, phong tục tập quán, thưởng thức nét ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc.

Sự chân tình, mến khách cùng với những dấu ấn văn hóa nơi bản làng người Lự là nét ghi dấu khó quên đối với du khách.

Bài liên quan
Tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì- Điện Biên
(GDTĐ) - Tết cổ truyền Khù Sự Chà của dân tộc Hà Nhì ở Điện Biên là lễ dịp đoàn tụ gia đình, cùng uống rượu và chúc tụng những điều ấm no, hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Độc đáo nét văn hóa của dân tộc Lự