Đổi mới đào tạo giáo viên Lịch sử - đòi hỏi từ thực tế

05/10/2023, 06:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Năm học 2022 - 2023, Chương trình GDPT 2018 được triển khai với lớp 10; trong đó có môn Lịch sử.

Những giáo viên tương lai dưới mái Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng ảnh 1
Những giáo viên tương lai dưới mái Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng

Vai trò của giảng viên

Để sinh viên ngành Sư phạm Lịch sử đạt chuẩn đầu ra chương trình đào tạo, việc vận dụng lý thuyết học tập trong quá trình dạy học ở cơ sở đào tạo giáo viên có vai trò và ưu thế lớn. PGS.TS Nguyễn Thị Thế Bình diễn giải, về kiến thức, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của giáo viên Lịch sử là giúp học sinh tiếp cận nhanh và tốt nhất kho tàng tri thức khoa học lịch sử. Muốn đạt mục tiêu này, sinh viên ngành Sư phạm Lịch sử phải nắm vững tri thức chuyên ngành.

Theo đó, trong quá trình giảng dạy, mỗi giảng viên cần chú ý vận dụng linh hoạt và phát huy ưu thế các lý thuyết học tập như: Hành vi, nhận thức, đa trí tuệ và kiến tạo để xây dựng môi trường học tập khác nhau. Qua đó, giúp sinh viên tiếp cận đầy đủ, chuyên sâu những tri thức của lịch sử thế giới, Việt Nam, lý luận và phương pháp dạy học lịch sử ở trường phổ thông.

Về năng lực, vận dụng lý thuyết học tập hành vi trong quá trình dạy học sẽ giúp sinh viên rèn luyện và phát triển các kỹ năng bộ môn như: Nói, viết, sử dụng đồ dùng trực quan, sưu tầm và sử dụng tư liệu học tập... Thông qua vận dụng lý thuyết học tập kiến tạo, sinh viên có thể phát triển các kỹ năng: Tìm hiểu môi trường giáo dục, học sinh, thiết kế bài giảng, kế hoạch giảng dạy, chủ nhiệm lớp, hoạt động trải nghiệm... trong bối cảnh học tập khác nhau.

Về phẩm chất, nếu giảng viên vận dụng thuyết hành vi, nhận thức, đa trí tuệ và kiến tạo trong quá trình dạy học sẽ tạo ra môi trường học tập đa dạng; sinh viên có nhiều cơ hội bày tỏ quan điểm cá nhân, hình thành thế giới quan khoa học; khắc phục thói quen ỷ lại, trông chờ; đồng thời luôn chủ động trong rèn luyện và nâng cao năng lực, phẩm chất bản thân. Từ đó, hình thành cho người học tác phong sư phạm đúng đắn, bồi dưỡng lòng yêu nghề, thái độ tin yêu học trò, ý chí vượt khó, tích luỹ vốn sống thực tế để làm giàu kinh nghiệm giảng dạy và giáo dục.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Thế Bình và ThS Đặng Thị Thùy Dương, dạy học Lịch sử là một khoa học với hệ thống lý thuyết đặc trưng. Nếu không nắm vững tri thức môn học thì không thể dạy tốt ở trường phổ thông. Do vậy, ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học, sinh viên ngành Sư phạm Lịch sử phải được trang bị hệ thống tri thức lịch sử Việt Nam, thế giới; tri thức lý luận về phương pháp dạy học bộ môn Lịch sử ở trường phổ thông.

Từ những định hướng trên, PGS.TS Nguyễn Thị Thế Bình nhấn mạnh, quá trình giảng dạy, giảng viên có thể vận dụng linh hoạt một số phương pháp như: Giải quyết vấn đề; tương tác theo phong cách học tập và giảng dạy theo dự án…

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/doi-moi-dao-tao-giao-vien-lich-su-doi-hoi-tu-thuc-te-post656374.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/doi-moi-dao-tao-giao-vien-lich-su-doi-hoi-tu-thuc-te-post656374.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đổi mới đào tạo giáo viên Lịch sử - đòi hỏi từ thực tế