Đổi mới phương pháp và nhận thức về giáo dục thể chất

Khôi Nguyên | 17/08/2022, 17:29
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Đổi mới phương pháp và nhận thức về giáo dục thể chất là nội dung Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh tại Hội thảo tham vấn định hướng phát triển công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học diễn ra ngày 17/8.

Vai trò to lớn của giáo dục thể chất và thể thao

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất Nguyễn Thanh Đề, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Lê Anh Vinh cùng đông đảo các chuyên gia giáo dục, lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học, trường phổ thông. Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh/thành trên cả nước.

TS Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã triển khai trong toàn ngành Quyết định 1660 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025. Việc giáo dục chăm sóc sức khỏe cho học sinh - sinh viên (HSSV) đóng vai trò vô cùng quan trọng để các em phát triển toàn diện cả Đức - Trí - Thể - Mỹ.

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất Nguyễn Thanh Đề nhấn mạnh, sức khỏe là nền tảng của mọi nền tảng, cốt lõi của nguồn sống. Đây là mối quan tâm hàng đầu của các cấp lãnh đạo với thế hệ tương lai của đất nước. Ngày 2/10/2021, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Vụ Giáo dục thể chất đã xây dựng và được Chính phủ phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường và Chương trình Y tế học đường gắn với Y tế cơ sở.

Đại diện Văn phòng Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhấn mạnh nội dung, mục tiêu của Nghị quyết 29 của BCH Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo. Đây được coi là "kim chỉ nam" cho công cuộc đổi mới giáo dục ở Việt Nam trong 10 năm qua cũng như các năm tiếp theo.

Cần đổi mới phương pháp và nhận thức về giáo dục thể chất, thể thao trường học ảnh 1
Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất Nguyễn Thanh Đề báo cáo đề dẫn tại hội thảo.

Trong Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, môn Giáo dục thể chất được quy định là môn học bắt buộc. Ở cấp đại học, sinh viên muốn tốt nghiệp phải có chứng chỉ về giáo dục thể chất. Công tác giáo dục thể chất (GDTC) là một nội dung quan trọng. Cần có sự phối kết hợp của nhiều Bộ, ngành, các nhà trường và gia đình. Giáo dục thể chất cần nhận được sự chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ GD&ĐT là đơn vị chủ trì.

TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT, thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực cho biết, hệ thống giáo dục FPT có cả nội trú và bán trú, công tác GDTC đóng vai trò to lớn vì gắn với các giai đoạn phát triển của học sinh, sinh viên. Việc thực hiện ở các nhà trường cũng có những vấn đề, đầu tiên là vấn đề nhận thức. Nhiều nơi coi GDTC là môn phụ mà ít chú trọng, giao phó cho gia đình.

Trong Chương trình GDPT 2018, khối lượng tối thiểu áp dụng trong mô hình học 1 buổi là phù hợp. Tăng khối lượng GDTC là rất quan trọng. Bộ GD&ĐT cần hướng dẫn việc GDTC trong các trường theo hướng tăng thời lượng so với tối thiểu đang quy định. Các tác giả viết sách không thể đủ thời gian để đưa ra các bộ môn thể thao cho học sinh lựa chọn. Hệ thống giáo dục của FPT trong 10 năm qua đều triển khai dạy môn Vovinam. Vậy các địa phương có được thay thế bộ môn GDTC thay cho các môn được Bộ quy định "cứng" như hiện nay...

Thay đổi nhận thức và phương pháp giảng dạy

Cần đổi mới phương pháp và nhận thức về giáo dục thể chất, thể thao trường học ảnh 2
Các đại biểu tham dự hội thảo tại đầu cầu Hà Nội.

Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho rằng, GDTC và các hoạt động thể thao mang lại sự phát triển toàn diện cho học sinh. Đồng thời, GDTC và thể thao còn góp phần phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp và sự tự tin cho trẻ em. Công tác GDTC và thể thao sẽ giúp tăng cường sự sáng tạo của học sinh, có tính kết nối chặt chẽ và tương tác với nhau. Có sự kết nối giữa GDTC và thể thao với sự phát triển tâm thần của trẻ em.

Khi thực hiện cần chuẩn bị kỹ các khâu, cách thức triển khai. Đồng thời, chú ý năng lực giáo viên, điều kiện trường lớp như thế nào. Trong đó có sự hòa nhập, nhất là các đối tượng yếu thế như học sinh nghèo, khuyết tật, dân tộc thiểu số... Cần tăng cường sự trao đổi, bài học kinh nghiệm khi thực hiện.

Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT, Vụ Giáo dục thể chất đã phối hợp với các đơn vị tổ chức giải Bóng đá cho học sinh đã tạo hiệu ứng rất tích cực. Năm 2022, UNICEF dự kiến cũng sẽ tổ chức hoạt động bóng đá không giới hạn nhằm đẩy mạnh hoạt động thể thao cho học sinh.

Cần đổi mới phương pháp và nhận thức về giáo dục thể chất, thể thao trường học ảnh 3
GS Lê Anh Vinh nêu bật vai trò của việc đổi mới nhận thức và phương pháp giáo dục với môn Giáo dục thể chất và thể thao trường học.

GS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho hay, chúng ta luôn quan tâm đến giáo dục thể chất vì đây là 1 trong 6 môn bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Tuy nhiên, việc tăng cường thể lực cho học sinh, thanh thiếu niên Việt Nam còn tăng chậm. Phương pháp giảng dạy GDTC ở nhiều nơi vẫn còn một số hạn chế. Vai trò của thầy cô trong nhà trường nằm ở cả nhận thức lẫn phương pháp giảng dạy.

Đại diện Sở GD&ĐT Thái Nguyên cho biết, địa phương này còn gặp phải một số khó khăn khi triển khai công tác GDTC và thể thao trường học trong những năm qua. Khi học sinh học online, việc giáo dục thể chất gặp vô vàn bất cập, thầy cô phải rất vất vả. Lực lượng giáo viên GDTC vẫn còn thiếu và yếu. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động GDTC và thể thao còn rất nhiều hạn chế.

Ngay trong trường học, một số giáo viên vẫn coi GDTC là môn phụ mà chưa có sự quan tâm đúng mức. Nguồn đầu tư về cơ sở vật chất cho GDTC cũng chưa được nâng cao. Ví dụ, việc triển khai bể bơi trong trường học còn rất khó. Do đó, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền về tác dụng, ý nghĩa của hoạt động GDTC và thể thao trường học.

Tiếp theo, cần đổi mới chương trình và kiểm tra đánh giá môn Giáo dục thể chất. Đội ngũ giảng dạy bộ môn GDTC cần được bổ sung và bồi dưỡng kịp thời. Phát triển phong trào rèn luyện thể chất thể thao cho học sinh, nhất là trong dịp hè. Tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ các hoạt động GDTC và thể thao trường học. Đẩy mạnh cơ chế xã hội hóa trong hoạt động thể thao trường học.

Đại diện đến từ Trung tâm Giáo dục thể chất - ĐHQG Hà Nội cũng bày tỏ đồng tình với Bộ GD&ĐT về tiêu chí đánh giá thể chất thể lực học sinh. Đánh giá chuẩn đầu ra cần được thực hiện khách quan, khoa học. Ta nên xây dựng chương trình, phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá theo chuẩn đầu ra...

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh hoan nghênh và đánh giá cao những ý kiến chia sẻ, góp ý đầy trách nhiệm từ các đại biểu. Tất cả đều hướng tới mục tiêu làm sao để có thể triển khai thật hiệu quả công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học. Vị thế của môn Giáo dục thể chất trong trường học ngày càng được khẳng định. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu đầy đủ các kiến nghị để có phương án phối hợp đồng bộ với các cơ quan liên quan để phát triển công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học.
Bài liên quan
Giáo dục thể chất: Phối hợp nguồn lực, phát huy thế mạnh
Để phát huy lợi thế môn học Giáo dục thể chất, cần đầu tư nguồn lực xứng đáng; kết hợp chương trình, đề án phát triển phong trào thể dục thể thao (TDTT) trong trường học.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đổi mới phương pháp và nhận thức về giáo dục thể chất