“Quá trình đổi mới, chúng tôi cần những hiệu trưởng có tâm và tầm để hỗ trợ, sẻ chia tinh thần cũng như kinh phí. Qua đó, giáo viên có động lực cố gắng sáng tạo, đổi mới nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Tôi mong có sự đồng hành của ban giám hiệu nhà trường nhiều hơn để có thể triển khai những ý tưởng mới, thiết thực”, thầy Tuấn Anh tâm sự.
“Lớp học không tường” giúp học sinh thoả sức sáng tạo, học tập với không gian mở. Ảnh: Trúc Hân |
Từ cấp độ quản lý, ông Ngô Văn Hiền – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan (tỉnh Lạng Sơn), nêu ý kiến, quá trình đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập phải bắt đầu từ cán bộ quản lý bởi lẽ họ là “thuyền trưởng, thuyền phó” dẫn dắt, chèo lái cơ sở giáo dục.
Theo ông Hiền, muốn giáo viên đổi mới, sáng tạo thì cán bộ quản lý phải đi đầu để hướng dẫn, chỉ đạo và tạo điều kiện, môi trường thuận lợi. Nếu hiệu trưởng không “xắn tay” vào việc thì khó có thể làm gương, tạo động lực, khuyến khích giáo viên đổi mới, sáng tạo.
Ông Hiền cũng chỉ ra, một trong những yếu tố thúc đẩy giáo viên đổi mới, sáng tạo trong dạy học là sự ủng hộ, hỗ trợ phù hợp từ lãnh đạo nhà trường. Cán bộ quản lý phải là chỗ dựa tin cậy cho giáo viên khi gặp khó khăn trong quá trình đổi mới và cùng nhau tìm giải pháp tháo gỡ.
Hơn nữa, chỉ khi cán bộ quản lý đổi mới, sáng tạo mới nhìn nhận, thấu hiểu những khó khăn của giáo viên và tìm ra giải pháp giúp đỡ kịp thời. Cán bộ quản lý có hiểu, chia sẻ sẽ kịp thời động viên, khen thưởng khi giáo viên có nhiều giải pháp đột phá như phát huy vai trò nêu gương, tuyên dương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trên phương tiện thông tin đại chúng và không gian mạng.
Muốn vậy, từ đầu năm học, cán bộ quản lý, cán bộ phụ trách chuyên môn cần chỉ đạo giáo viên đăng ký nội dung đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, thể hiện rõ các giải pháp thực hiện, phương hướng phấn đấu và lộ trình nội dung đổi mới, sáng tạo trong năm học. Sự đổi mới của cán bộ quản lý trong quá trình phân công, chỉ đạo giáo viên cũng là hình thức tuyên truyền, định hướng nhận thức cho họ thấy được sự cần thiết của đổi mới, sáng tạo trong dạy và học.
Bên cạnh đó, “thuyền trưởng” có nhiệm vụ quản lý chất lượng, gắn trách nhiệm chuyên môn với quản lý nhân sự. Ngoài ra, trong bối cảnh công nghệ bùng nổ, cán bộ quản lý cần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong tổ chức, quản lý hoạt động chuyên môn; tạo điều kiện cho giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin vào đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá.
Những ý tưởng đổi mới, sáng tạo của giáo viên khi đề xuất nếu mang lại hiệu quả thiết thực cho học sinh thì nhà trường rất ủng hộ. Ban giám hiệu, đặc biệt hiệu trưởng đóng vai trò quan trọng để thầy, cô hoàn thiện ý tưởng và áp dụng vào thực tế. - Thầy Đoàn Tuấn Anh