Đội ngũ trí thức KH&CN đã có nhiều đề xuất cũng như ý kiến tập trung vào các vấn đề cốt lõi như thể chế, nhân sự, chính sách an sinh và phát triển kinh tế... thể hiện trách nhiệm xã hội của giới trí thức cho công cuộc đổi mới toàn diện và xây dựng nền hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Ngày 9/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo "Một số ý kiến của tri thức khoa học và công nghệ gửi tới Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV".
Phát biểu tại Hội thảo, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 5/5/2025 sớm hơn so với thông lệ.
Đây là kỳ họp có khối lượng công việc lớn, ưu tiên xem xét, quyết định các nội dung cấp thiết phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền; xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; xem xét sửa đổi 13 dự án luật để tiếp tục phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tới nay, nhiều sự kiện chính trị - xã hội mà cử tri toàn quốc cũng như trí thức KH&CN quan tâm, nổi bật là việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; các chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Cùng với đó là việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; việc cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh… Gần đây nhất là việc áp thuế đối ứng lên tới 46% của Mỹ đối với hàng hóa của Việt Nam và những hành động rất nhanh của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta.
Với lực lượng 2,2 triệu trí thức, Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ thực hiện tốt việc lấy ý kiến, phản ánh, kiến nghị của trí thức KH&CN đối với những vấn đề quan trọng nhằm góp phần nâng cao chất lượng Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đề cập về một số ý kiến về vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội, ông Đặng Đình Luyến, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành cao với các chủ trương của Đảng về đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước nhằm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Ông Đặng Đình Luyến đề nghị các bộ ngành có liên quan rà soát, tổng kết đánh giá các chính sách, pháp luật về lao động, việc làm và an sinh xã hội để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền hoặc theo thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật về lao động, việc làm và an sinh xã hội, góp phần thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước.
Trong quá trình thực hiện việc đổi mới tổ chức bộ máy nhà để tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cần bố trí, sắp xếp ngay những cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, có năng lực công tác tốt vào các vị trí việc làm phù hợp.
Đối với các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác không được bố trí, sắp xếp vào các vị trí việc làm trong bộ máy nhà nước thì cần có chính sách giải quyết hợp lý theo hướng: Giải quyết chế độ chính sách thỏa đáng cho các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác mất việc làm để họ được nghỉ hưu sớm hoặc tự tìm công việc phù với bản thân.
Nhà nước mở các lớp đào tạo nghề mới, chuyển đổi nghề nghiệp từ công việc hành chính sang công việc làm trực tiếp ở các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác mất việc làm mà có nguyện vọng để họ có việc làm mới ổn định, có nguồn thu nhập bảo đảm cuộc sống gia đình.
Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi (về giảm giá thuê đất, ưu đãi nguồn vốn vay, đơn giản thủ tục hành chính, miễn giảm thuế…) cho các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh để tạo thêm việc làm nhằm thu hút những người mất việc làm do đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước...
Cùng quan điểm, ông Hồ Đình Lưỡng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ cho biết, đội ngũ trí thức KH&CN tỉnh Phú Thọ đồng tình, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và Nhân dân đối với cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; bảo đảm xây dựng hệ thống chính trị nước ta tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả và mở ra không gian phát triển mới.
Ông Hồ Đình Lưỡng đánh giá cao tinh thần tích cực, khẩn trương, quyết liệt,"vừa chạy, vừa xếp hàng" trong quá trình thực hiện, bởi đây là thời cơ, thời điểm thuận lợi hơn bao giờ hết để thực hiện chủ trương trên.
Đồng thời kiến nghị trong quá trình thực hiện các cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn cụ thể, chi tiết nhất là các chính sách liên quan đến đội ngũ cán bộ, đảng viên sau sắp xếp, sáp nhập, tinh gọn và lộ trình tinh giản để không gây xáo trộn lớn.
Bên cạnh đó, có giải pháp khoa học, cơ chế, tiêu chí đánh giá cán bộ gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực thi nhiệm vụ; khắc phục triệt để vấn đề người có năng lực, phẩm chất, trách nhiệm rời khu vực công nhưng lại ở lại những người có năng lực yếu, bám víu vào khu vực công.
Song song với thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập, Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành, các địa phương cần có chiến lược, tính toán, tiêu chí đánh giá cụ thể để phát hiện các nhân tố mới, ưu tú trước mắt để bố trí, thực thi nhiệm vụ ngay vào bộ máy, sau đó tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng gắn với vị trí việc làm tại các cơ quan, đơn vị.
Bảo đảm khách quan, công tâm, dân chủ trong công tác cán bộ (thông qua các giải pháp và cơ chế giám sát, đánh giá khả thi, thực chất); đề cao phẩm chất đạo đức, trách nhiệm, tinh thần cách mạng trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Trước và sau sắp xếp, sáp nhập không để lãng phí nguồn lực đất đai, trụ sở, kinh phí và tài sản của Nhà nước...
Góp ý vào việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và phát triển, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, cần một cuộc cách mạng về thể chế mạnh mẽ như cuộc cách mạng về cải cách bộ máy hành chính đang diễn ra, thay đổi toàn bộ quy định pháp luật liên quan đến quản lý đầu tư, xây dựng và môi trường, chuyển hẳn từ quản lý đầu vào, trình tự thủ tục rườm rà, kém hiệu quả, lãng phí sang quản lý bằng kết quả đầu ra và cơ chế hậu kiểm.