Đóng góp giải pháp cho năm học mới

19/08/2023, 16:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hội nghị tổng kết năm học ngày 18/8 là dịp để toàn ngành cùng đánh giá nhiệm vụ đã làm được, công việc còn dang dở để đề ra mục tiêu phấn đấu.

Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT Thái Nguyên tiếp tục tăng cường nền nếp kỷ cương, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh. Nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học và phát triển phẩm chất, năng lực người học; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh. Đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với giáo dục mầm non, phòng chống bạo hành, tai nạn thương tích ở trẻ và giải quyết tình trạng thiếu giáo viên…

Đóng góp giải pháp cho năm học mới ảnh 2

Bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại điểm cầu Hà Nội.

Xây dựng nền GD thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt

Năm học 2022 - 2023, tỉnh Cà Mau xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình GDPT 2018 (lớp 3, lớp 7 và lớp 10). Toàn ngành Giáo dục Cà Mau tích cực, nỗ lực khắc phục nhiều khó khăn, bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng.

Ngành tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới trường học trong tỉnh đáp ứng yêu cầu tinh gọn theo Đề án sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng năm 2030. Quy mô giáo dục trong tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển bền vững; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở các cấp học đều được đảm bảo.

Theo ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhiệm vụ của năm học mới 2023 - 2024 phải xây dựng nền giáo dục thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt; cần đổi mới hơn nữa nội dung, nhất là đổi mới trong công tác quản trị trường học; khuyến khích cán bộ, giáo viên đổi mới, có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo…

Ông Nguyễn Minh Luân kiến nghị bộ, ngành Trung ương quan tâm đầu tư Chương trình Sóng và máy tính cho em vùng khó khăn, biên giới, hải đảo; Xem xét tháo gỡ khó khăn quy định khung vị trí việc làm cho giáo dục mầm non ở vị trí phục vụ, bảo vệ, y tế đang gặp khó.

Lưu ý khung vị trí việc làm đối vối giáo dục phổ thông ở cấp tiểu học cần phù hợp với chương trình mới. Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo ngành Sư phạm cũng gặp khó khăn cần tháo gỡ và có quy định đồng bộ.

Trung ương cần có các chương trình kiên cố hóa trường lớp, đặc biệt là nhà công vụ cho giáo viên để giáo viên yên tâm, gắn bó dạy học và công tác.

Tận dụng quỹ đất cho trường học ở Thủ đô

Phát biểu tại Hội nghị, bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - đề xuất một số vấn đề cần tháo gỡ trong thời gian tới. Trước hết, TP có đầy đủ loại hình trường nhiều cấp học, trường chuyên, trọng điểm quốc gia với quy mô tương đối lớn; tuy nhiên, tại Nghị định 120 quy định mỗi đơn vị có không quá 2 cấp phó khiến khó khăn trong công tác quản lý cho các trường có quy mô lớn, đặc thù. Do đó, TP kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 120 cho phù hợp thực tế.

Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sớm triển khai số hóa SGK và sử dụng SGK điện tử để phù hợp với xu thế chuyển đổi số trong giáo dục. Tiếp đến, cần quan tâm chế độ chính sách với cán bộ, giáo viên và nhân viên công tác trong lĩnh vực GD-ĐT. Để thực hiện chủ trương tại Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Theo đó, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có phụ cấp ưu đãi theo từng tính chất công việc.

Hiện, Thủ đô có tình trạng tăng dân số cơ học cao. Mỗi năm, dân số tăng từ 50.000 - 60.000 học sinh, tương đương cần xây mới 30 - 40 trường học. Tuy nhiên, một số quận nội thành không còn quỹ đất. Để đáp ứng chuẩn xây dựng trường học, đề nghị các cấp xem xét cho phép TP sử dụng chỉ tiêu diện tích sử dụng trên đầu học sinh thay thế cho chỉ tiêu diện tích đất trên học sinh. Chính phủ cho phép Hà Nội được nâng tầng với các khối nhà xây dựng. Đồng thời, cho phép Hà Nội xây tầng hầm cho nhà trường ở quận nội thành để khai thác quỹ đất hiệu quả.

Tiến trình tự chủ đại học còn nhiều thách thức

Năm 2022, ĐH Quốc gia TPHCM công bố gần 2.400 bài báo quốc tế trong danh mục Scopus, chiếm hơn 12% tổng số công bố của cả nước; là cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu có số công bố quốc tế nhiều nhất.

Ngoài ra, ĐH Quốc gia TPHCM được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì Đề án “Phát triển ĐH Quốc gia TPHCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á”.

Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM - ông Vũ Hải Quân nêu một số thành tựu đạt được, như: 6 trường thành viên đã thực hiện tự chủ đại học (tự chủ chi thường xuyên); ĐH Quốc gia TPHCM nằm trong top 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới; có 9 nhóm ngành được xếp hạng cao. Đến nay, ĐH Quốc gia TPHCM đã có 126 chương trình đào tạo được đạt chuẩn kiểm định quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo PGS.TS Vũ Hải Quân, tiến trình thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam thời gian qua đã gặp 5 thách thức lớn, hầu hết liên quan đến tài chính đại học gồm: Nguồn thu chủ yếu dựa vào học phí; Chính sách cho sinh viên vay còn rất hạn chế, kể cả đối tượng, quy trình thủ tục, định mức và thời hạn vay; Một số quy định về pháp luật còn thiếu đồng bộ chưa thúc đẩy tự chủ đại học; Mất cân đối trong lĩnh vực ngành nghề đào tạo khi có ít sinh viên chọn ngành khoa học, kỹ thuật công nghệ bao gồm cả bậc sau đại học.

Cuối cùng, thách thức lớn nhất là thách thức về niềm tin của xã hội đối với giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Có lẽ, chưa bao giờ người thầy lại có nhiều tâm tư như bây giờ. Để giải quyết những thách thức trên, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM nêu 3 kiến nghị:

Tăng đầu tư của Nhà nước cho giáo dục đại học. Bên cạnh nguồn đầu tư chiều sâu cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cần quan tâm đầu tư trực tiếp cho con người thông qua các đề tài, dự án. Thực tế, các phòng thí nghiệm chỉ hoạt động hiệu quả khi nó được vận hành bởi những nhà khoa học giỏi.

Nhà nước cần có lộ trình điều tiết ngân sách đối với các trường đại học tự chủ theo hướng chỉ dừng cấp ngân sách chi thường xuyên sau khi trường đại học đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo (4 - 5 năm). Trong trường hợp chưa tăng được học phí, Nhà nước nên cấp bù phần ngân sách chưa được tăng. Ngoài ra, cần sớm hoàn thiện các thể chế chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác PPP, nghiên cứu chuyển giao khoa học và công nghệ, thúc đẩy văn hóa hiến tặng.

Đối với chính sách tín dụng cho sinh viên vay. Ông Vũ Hải Quân đề xuất một số giải pháp cụ thể như: Mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng sinh viên; điều chỉnh mức cho vay nhằm đảm bảo cho sinh viên có thể chi tiêu cho đời sống bằng nhóm trung bình của xã hội và đủ tiền nộp học phí; giảm lãi suất cho vay; điều chỉnh theo hướng tăng thời gian cho vay. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng và sớm ban hành chính sách tín dụng cho vay thương mại dành cho sinh viên.

Cuối cùng, tăng đặt hàng đào tạo, nghiên cứu. Giáo dục vẫn cần sự điều tiết, vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong việc gắn đào tạo và nghiên cứu với các nhiệm vụ chiến lược quốc gia, phát triển vùng của đất nước. Việc này giúp tạo ra sự hài hòa trong nhu cầu của người học, chuẩn bị cho nguồn nhân lực trong tương lai gần và tránh “khủng hoảng thừa” và “khủng hoảng thiếu”.

Các ngành đề xuất được đặt hàng đào tạo gồm: Nhóm ngành Khoa học tự nhiên, nhóm ngành Khoa học xã hội, nhóm ngành Văn hóa - nghệ thuật và một số lĩnh vực khác như Nông - Lâm nghiệp, Địa chất, Hải dương học…

Năm học 2023 - 2024, Sóc Trăng có khoảng 5.930 phòng học kiên cố ở các cấp học, tăng 377 phòng so với năm học trước. Tính đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có 379/461 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 82,21% (đạt 99% kế hoạch năm 2023). Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ năm học mới 2023 - 2024, Sở GD&ĐT Sóc Trăng đã hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị, trường học tập trung rà soát, bổ sung trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp học. Trong đó, ưu tiên các hạng mục công trình, như: Phòng học, thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch… bảo đảm khuôn viên, cảnh quan môi trường sư phạm xanh - sạch - đẹp - an toàn; bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ triển khai Chương trình GDPT 2018.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/dong-gop-giai-phap-cho-nam-hoc-moi-post651166.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/dong-gop-giai-phap-cho-nam-hoc-moi-post651166.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đóng góp giải pháp cho năm học mới