Phụ huynh đồng hành nhưng không có nghĩa là áp đặt, buộc trẻ phải lựa chọn theo mình. Ảnh minh họa: TG |
Đồng hành nhưng không áp đặt
Cũng là phụ huynh nên cô Nguyễn Thị Ly Nga - giáo viên Trường THPT Phúc Thọ (Hà Nội) - thấu hiểu và thông cảm với nỗi lo của cha mẹ; bởi tất cả sự quan tâm, lo lắng không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, theo cô Nga lựa chọn và mong muốn của các em cũng rất chính đáng nên phụ huynh cần tôn trọng. “Chỉ các em mới hiểu vì sao mình chọn ngành này, trường kia. Vì sao lĩnh vực đó lại hứng thú, hấp dẫn với mình” - cô Nga chia sẻ và cho rằng, khi trẻ nói lên mong muốn của bản thân, cộng với sự lắng nghe, phân tích của cha mẹ thì việc lựa chọn sẽ hiệu quả hơn.
Nhấn mạnh, đồng hành nhưng không có nghĩa là áp đặt, buộc trẻ phải lựa chọn theo mình, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) - đưa ra một số sai lầm thường gặp trong quá trình gia đình định hướng nghề nghiệp như: Thiếu tôn trọng mong muốn của trẻ; áp đặt với suy nghĩ “còn nhỏ, chưa biết gì”; coi trọng hình thức nghề hơn giá trị nghề; bỏ mặc, không quan tâm định hướng nghề; sắp đặt toàn bộ lộ trình cho trẻ; hướng nghề không căn cứ vào khả năng thực sự; sử dụng tài chính để giúp trẻ có việc làm; chú ý cơ hội xin việc hơn là cơ hội phát huy sở trường.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, cha mẹ cần nắm được một số “bí quyết” để có thể cùng trẻ chọn nghề. Hãy bắt đầu bằng sự kết nối. Khi các em được tôn trọng và lắng nghe sẽ cởi mở hơn, từ đó thoải mái chia sẻ về những khát khao, mong muốn của mình. Thứ nữa, cha mẹ nên tin tưởng, khích lệ và đồng hành cùng các em trong hành trình lựa chọn nghề nghiệp để có một tương lai vững chắc.
Ở góc nhìn khác, TS Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - cho rằng, tư vấn của bố mẹ, gia đình, bạn bè, người thân, nhất là những người có kinh nghiệm là cần thiết. Bản thân thí sinh cũng phải biết năng lực, sở trường của mình như thế nào… Ngoài ra, các em phải biết kết hợp nhiều yếu tố khác nhau để đưa ra quyết định cho mình. Tuy nhiên, quan trọng là chọn ngành phù hợp với mình nhất. “Lưu ý, ngành mình thích nhất chưa chắc đã phù hợp nên thí sinh cần cân nhắc giữa hai yếu tố: Thích nhất và phù hợp nhất khi lựa chọn ngành học, trường học” - TS Phạm Như Nghệ nhấn mạnh.
PGS Trần Thành Nam khuyến nghị, thí sinh nên tuân thủ các nguyên tắc chọn nghề như: Chọn nghề phù hợp với sở thích và hứng thú của bản thân; không nên chọn nghề mà bản thân không đủ điều kiện đáp ứng; chỉ chọn nghề khi đã có hiểu biết đầy đủ về nghề đó; chẳng hạn như: Điều kiện, môi trường, tính chất, khó khăn, thách thức… Các em cũng không nên chọn nghề mà xã hội không có nhu cầu. Chọn nghề đáp ứng được những giá trị mà bản thân coi là quan trọng và có ý nghĩa.