Mức tăng được các đơn vị xây dựng căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành, đồng thời nhằm bảo đảm nguồn lực thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo. Dù nhà trường, địa phương đều thận trọng tính toán, nhưng mức tăng học phí vẫn khiến không ít học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nặng gánh lo âu, bởi nhiều gia đình trải qua hai năm đại dịch chưa kịp hồi phục về kinh tế. Tăng học phí theo lộ trình, nguy cơ có nhiều học sinh, sinh viên bỏ học.
Không tăng học phí hay tiến đến miễn giảm học phí đồng nghĩa với việc các trường đại học, địa phương sẽ nhận về mình nhiều vất vả, gian truân. Bởi ai cũng biết với chi phí thấp, rất khó để có được chất lượng giáo dục cao, đặc biệt là ở trường đại học tự chủ tài chính, trong khi nguồn thu chính vẫn từ học phí. Vì thế bình ổn, miễn giảm học phí là nỗ lực rất lớn của các nhà trường và địa phương để hỗ trợ học sinh, sinh viên theo đuổi hành trình chinh phục tri thức.
Những chính sách vì người học của các trường và địa phương có tác dụng tích cực trực tiếp đến đời sống an sinh, đã và đang được phụ huynh, học sinh, sinh viên vui mừng đón nhận. Có thể số tiền được giảm không lớn, nhưng làm giảm bớt một phần gánh nặng đối với người dân, đặc biệt những người có thu nhập thấp, sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn trong thời điểm giá cả leo thang.
Đặc biệt, không chỉ là sẻ chia, đồng hành, sự nỗ lực vì người học của nhà trường, địa phương còn đồng thời thể hiện tính nhân văn trong ban hành chính sách, khẳng định quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, tất cả vì giáo dục, ưu tiên cho giáo dục.