Tỷ giá đồng yên Nhật Bản liên tục giảm giá mạnh trong thời gian qua, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế và đời sống người dân nước này, khiến chính phủ Nhật Bản "lao đao" tìm kiếm giải pháp.
Gần đây, đồng Yên Nhật tiếp tục suy yếu so với đồng USD. Ngày 24/6, đồng yên giao dịch ít thay đổi ở mức 159,81 JPY đổi 1 USD vào lúc 9:59 sáng tại Tokyo, khiến đồng tiền này ở gần mức yếu nhất trong khoảng 34 năm qua.
Tính đến 8 giờ 42 phút sáng hôm nay (25/6), tỉ giá này ở mức 159,44. Thị trường nhìn chung tin rằng mức 160 sẽ là tuyến phòng thủ tâm lý quan trọng để chính phủ Nhật Bản can thiệp.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản - Masato Kanda cho biết chính phủ Nhật Bản sẵn sàng can thiệp tỉ giá 24/24.
Ông Masato Kanda chia sẻ: “Nếu tỉ giá hối đoái biến động quá nhiều sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế quốc gia, vì vậy chúng tôi sẵn sàng can thiệp vào thời điểm thích hợp”.
Cuối tháng 4 năm nay, tỉ giá JPY/USD từng giảm xuống mức 160. Vào thời điểm đó, ngân hàng Nhật Bản vẫn chưa chắc chắn về việc có nên giải cứu thị trường hay không. Nhưng xét trên hành động thực tế, họ đã đầu tư một khoản không nhỏ để can thiệp vào tỉ giá.
Chính phủ Nhật Bản sau vụ việc này đã thừa nhận, trong giai đoạn từ 26/4 đến 29/5 năm nay, họ đã chi gần 9800 tỉ yên (khoảng 61,3 tỉ USD) để can thiệp vào thị trường tiền tệ. Các nhà chức trách Nhật Bản không nêu rõ ngày thực hiện hành động theo mệnh lệnh của chính phủ, nhưng mô hình giao dịch cho thấy có hai đợt can thiệp lớn vào ngày 29/4 và ngày 1/5. Dữ liệu dự trữ ngoại hối cho thấy, Nhật Bản có thể đã bán ra trái phiếu chính phủ để giúp thực hiện can thiệp thị trường.
Biên bản cuộc họp ủy ban chính sách của Ngân hàng Nhật Bản công bố ngày 23/6 cho thấy, do áp lực thị trường, các thành viên đã thống nhất giảm ồ ạt việc mua trái phiếu kho bạc Mỹ, đồng thời tạm dừng nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tỉ giá đồng yên. Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cũng nhấn mạnh, Chính phủ Nhật Bản vẫn đang theo dõi sát sao biến động tỉ giá.
Ông Kanda cho rằng sự can thiệp của chính phủ Nhật Bản vào thị trường ngoại hối chắc chắn sẽ cân nhắc cảm nhận của tất cả các bên trên thị trường và ý kiến của cơ quan tiền tệ các nước.
“Tin tốt là những người bạn của chúng tôi ở Washington không phản đối việc can thiệp tiền tệ của chúng tôi.”
Mặc dù Hoa Kỳ đã đưa Nhật Bản vào danh sách “các nước thao túng tiền tệ” cần được theo dõi, ông Kanda tin rằng điều này sẽ không ảnh hưởng đến các quyết sách tiền tệ của Chính phủ Nhật Bản.
"Điều họ (Mỹ) phản đối không phải là sự can thiệp mà họ lo ngại về tính minh bạch của việc ra quyết định”_Ông Kanda chia sẻ.