Do cầu L3 chưa thể đưa vào sử dụng nên người dân được dựng cho một cây cầu tạm để đi lại. Tuy nhiên, cây cầu tạm bắc qua sông Lừ quá nhỏ so với mật độ giao thông tại đây khiến cho khu vực trở thành "điểm đen" ùn tắc.
Ngoài ra, người dân thường xuyên phải di chuyển tại khu vực đường đất, bụi mờ mịt.
Đại diện Công ty Xây dựng công trình Hoàng Hà cho biết, chủ đầu tư đã phối hợp với các sở ngành để điều chỉnh tổng mức đầu tư sau Kết luận kiểm tra của Kiểm toán Nhà nước. Mọi thủ tục của chủ đầu tư đã hoàn thành nhưng Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội suốt 3 năm không trình thành phố. Đây là khó khăn lớn nhất của dự án.
Được biết, từ năm 2014, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 2,5 đoạn từ Đầm Hồng đến Quốc lộ 1A, quận Hoàng Mai được thực hiện theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Theo thỏa thuận hợp đồng thì chủ đầu tư là liên danh Công ty CP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội và Công ty Xây dựng công trình Hoàng Hà (Công ty Hoàng Hà) tiến hành thực hiện 2,1km đường, đổi lại chủ đầu tư sẽ được giao khu đất rộng khoảng 135,8ha để làm Khu đô thị mới Đại Kim - Định Công.
Với đất dự án đối ứng để xây dựng Khu đô thị mới Đại Kim - Định Công vừa nêu, dù chủ đầu tư chưa được UBND thành phố giao đất nhưng đã được Công ty Hoàng Hà rao bán rầm rộ nhiều năm nay. Hàng chục nhà đầu tư đã phản ánh, thậm chí có đơn tố cáo chủ đầu tư lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Khu đất đối ứng hiện vẫn đang là nhà dân, nhà hàng kinh doanh nhưng đã được bán cho nhà đầu tư. Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo quận Hoàng Mai cho biết, năm 2018, Công an quận Hoàng Mai đã có văn bản số 1211/CQĐT-KT gửi UBND phường Định Công trong đó nêu: Quá trình xác minh, cơ quan công an chưa thu thập được chứng cứ, tài liệu thể hiện chủ đầu tư đã giao dịch bán nhà đất tại Dự án Đại Kim - Định Công...
Nối tiếp đường Vành đai 2,5 Đầm Hồng - quốc lộ 1A là dự án hầm chui 2,5 qua nút giao Kim Đồng - Giải Phóng. Dự án này có tổng mức đầu tư lên đến 778 tỉ đồng sử dụng ngân sách TP Hà Nội, được khởi công tháng 10/2022 và dự kiến hoàn thành sau 3 năm.