Dự giờ hướng đến người học

Hiếu Nguyễn | 06/04/2023, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Dự giờ, thăm lớp là hoạt động chuyên môn thường xuyên và quan trọng trong nhà trường. 

Để dự giờ hiệu quả

Để hoạt động dự giờ hiệu quả và giúp giáo viên phát triển chuyên môn tốt hơn, cô Vũ Thị Anh, Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) cho rằng: Mỗi tổ/nhóm cần có đội ngũ tư vấn chuyên môn, đó là những giáo viên có năng lực tốt, kinh nghiệm giảng dạy. Đây được coi như đội nghiệp vụ “cứng” tư vấn, hỗ trợ đồng nghiệp. Nhà trường xây dựng kế hoạch dự giờ giáo viên trong 1 học kỳ/năm học như: Dự giờ báo trước, đột xuất, chuyên đề... Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Đây là biện pháp thực hiện thường xuyên, liên tục mà trường, tổ nhóm nào hiện nay cũng thực hiện.

Từ thực tiễn tại Trường THCS Thụy Trường, cô Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh đến việc cần định hướng chuyên môn cụ thể cho người dạy, người dự. Bố trí thời gian hợp lý để có thể đông đủ đối tượng cần dự. Các tiết dạy chuyên đề có sự thảo luận, bàn bạc cụ thể trong tổ nhóm, người dạy chỉ thực hiện phương án chung của tổ, nhóm. Cũng cần lên chương trình cho học sinh có tiết chuẩn bị ngay trên lớp, không thể cái gì cũng đưa về nhà; phân loại học sinh để giao đầu việc phù hợp, phát huy nhiều nhất sự tích cực, chủ động của người học.

Góp ý vào hoạt động quan trọng nhất của dự giờ là rút kinh nghiệm giờ dạy, cô Đoàn Thu Hà cho rằng, cán bộ quản lý nên chủ động giúp giáo viên thực hiện tốt nhất quyền tự chủ. Trước đây, giáo viên ít khi được góp ý bài dạy của đồng nghiệp, hoặc có cũng e dè, chưa mạnh dạn. Người quản lý cần khắc phục tình trạng này bằng cách cho giáo viên ghi lại ý kiến đóng góp vào phiếu dự giờ.

Khi sinh hoạt chuyên môn, mỗi giáo viên dựa vào phiếu đó để phát biểu ý kiến xây dựng tiết dạy. Nếu trong tiết dạy có nhiều ý kiến đóng góp trái ngược nhau, tổ trưởng sẽ trực tiếp thống nhất ý kiến với các giáo viên để đi đến kết luận và có thể chỉ đạo dạy lại tiết đó dựa trên những đóng góp để hóa giải những thắc mắc băn khoăn.

Việc dự cùng 1 bài của nhiều giáo viên cũng cần chú ý. Trên cơ sở đó, giáo viên dự giờ sẽ rút kinh nghiệm qua mỗi tiết dạy; đồng thời, học được ở mỗi người dạy cách chủ động sáng tạo khi xử lý tình huống, hoặc cách tiếp cận bài học để giảng dạy theo những hướng khác nhau.

Theo thầy Đoàn Công Thạo - Ủy viên Hội đồng Giáo dục Lý Thái Tổ (Hà Nội), để bảo đảm tính chính xác, khách quan của quá trình kiểm tra dự giờ đột xuất, người dự phải có phương pháp đánh giá hợp lý, tránh quá khắt khe hoặc thiếu khách quan. Đồng thời, nhà trường cần tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, thoải mái cho giáo viên, để họ có thể thể hiện năng lực, khả năng trong chăm sóc, giáo dục trẻ.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/du-gio-huong-den-nguoi-hoc-post633284.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/du-gio-huong-den-nguoi-hoc-post633284.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự giờ hướng đến người học